Xuất khẩu sang Trung Quốc sôi động

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 11/02/2023 10:00 GMT+7

VTV.vn - Hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc sôi động ngay trong những ngày đầu năm, nhất là từ sau khi nước bạn mở cửa trở lại các cửa khẩu.

Theo ghi nhận tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, tỉnh Lào Cai, trong tháng 1 có hơn 6.700 xe nông sản được xuất nhập khẩu với giá trị gần 59 triệu USD, trong đó nông sản xuất khẩu đạt gần 33 triệu USD, chủ yếu là thanh long, chuối, dưa hấu, chôm chôm, mít….

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các quy định 248 và 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang Trung Quốc và quản lý an toàn thực phẩm. Đến nay, hơn 2.490 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã được cấp bởi Hải quan Trung Quốc.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu sang Trung Quốc sôi động - Ảnh 1.

Xuất khẩu sang Trung Quốc sôi động.

Để hoạt động thông quan sang Trung Quốc thuận lợi

Từ tháng 1 đến nay, thông quan tai các Cửa khẩu đã trở về bình thường trước khi có dịch COVID-19. Hiện mỗi ngày có 500 xe thông quan cửa khẩu Lào Cai. Lạng Sơn là trên 800 xe.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại vừa là tin mừng đối với doanh nghiệp hai nước; đồng thời cũng là thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Đây là một trong số những nhận định được chỉ ra trong diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và Trung Quốc" diễn ra hôm 10/2.

Một tháng qua, xe xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai chủ yếu là hoa quả tươi, đậu xanh, lạc, sắn, đặc biệt trong đó thanh long tươi chiếm 80%.

Thời gian tới, với việc một loạt nông sản được kí nghị định thư, lượng hàng xuất sang Trung Quốc dự báo còn tiếp tục tăng mạnh. Câu chuyện phối hợp giữa doanh nghiệp, các cửa khẩu và địa phương đang được đặt ra để tránh vướng mắc gây ùn ứ như đã xảy ra ở các cửa khẩu những năm trước.

Ông Vương Trịnh Quốc - Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Cửa khẩu tỉnh Lào Cai cho biết: "Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai và Ban Quản lý Cửa khẩu tỉnh Vân Nam phía Trung Quốc đã trao đổi thay đổi phương thức vận tải. Theo đó, bỏ xe trung chuyển và cho phép xe chở nông sản vào thẳng bãi chuyển hàng hóa của hai bên…".

Xuất khẩu sang Trung Quốc sôi động - Ảnh 2.

Hơn 2.490 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã được cấp bởi Hải quan Trung Quốc.

Ngày 8/2, Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày, cùng với đó chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. Đây là một vấn đề đặt ra cho nông sản Việt Nam.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một trong những chiến lược xuất khẩu của Việt Nam là tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, kết nối với đường biển, đường bộ từ các nước ASEAN qua. Đây là vấn đề cần hoàn thiện, đẩy nhanh tốc độ triển khai.

Yêu cầu mới trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Trong đó, với rau quả có thể nói đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với tỷ trọng trên 53%, cao su với tỷ trọng 71%, thậm chí với sắn và các sản phẩm từ sắn còn chiếm tỷ trọng trên 91%.

Muốn duy trì vị thế này, Việt Nam phải chuẩn chỉnh lại tất cả mọi thứ, để các loại trái cây cũng như nông sản phải xuất khẩu chính ngạch theo nghị định thư sang Trung Quốc và bỏ dần tư duy tiểu ngạch. Điều này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Xuất khẩu sang Trung Quốc sôi động - Ảnh 3.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Ảnh minh họa.

Các doanh nghiệp và chuyên gia cũng đã chỉ ra những thách thức, yêu cầu mới và những bài học kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc Công ty Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam: "Các vùng nguyên liệu của chúng ta đi đâu cũng nêu ra khó khăn, nhỏ lẻ, manh muốn, cần thiết để cho thế giới thấy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, vùng nguyên liệu lớn có khả năng đáp ứng nhu cầu khắt khe. Hiện nay chúng ta có nhiều sản phẩm xuất khẩu được quanh năm, hơn nhiều nước trên thế giới".

"Lâu nay doanh nghiệp nói rằng chính sách Trung Quốc nay thế này, mai thế khác - điều này là sai lầm. Trung Quốc vào WTO trước chúng ta rất lâu, khi vào WTO tất cả các chính sách thương mại đều phải đều thực hiện và tham vấn các nước thành viên...", ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương nói.

Bà Trà My - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết: "Chất lượng trái cây Việt Nam không thua kém các nước bạn. Bây giờ vấn đề chúng ta phải xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam...".

Trung Quốc mở cửa, nhiều nông sản Việt Nam tăng giá gấp đôi Trung Quốc mở cửa, nhiều nông sản Việt Nam tăng giá gấp đôi

VTV.vn - Hơn 1 tháng qua, hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đã bình thường trở lại và giá thu mua nông sản đã tăng dần.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước