Trung Quốc là thị trường chủ lực
Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có nhiều tín hiệu khả quan và đạt gần 2 tỷ USD. 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam vẫn là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tôm hùm là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng cao trong thời gian qua với thị trường chủ lực là Trung Quốc.
Những thay đổi này đến từ việc bà con đã chuyển từ nuôi tôm hùm bông sang tôm hùm xanh. Vào giữa năm ngoái, tôm hùm bông bị bế tắc đầu ra khi Trung Quốc đưa giống tôm này vào danh mục động vật hoang dã nguy cấp cần được bảo vệ. Trong khi chờ cơ chế giải quyết từ phía bạn, bà con đã chuyển sang nuôi tôm hùm xanh - giống tôm mà nhu cầu tại Trung Quốc khá cao và người nuôi có thể xuất bán thuận lợi.
Hiện nay, Trung Quốc chiếm đến 98 - 99% thị phần tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam.
Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng chưa từng có, khi đạt giá trị gần 29 triệu USD, cao gấp 27 lần so với cùng kỳ năm trước.
Còn tính cả quý I, xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ 2023. Thị trường Trung Quốc nhập khẩu mạnh tôm hùm kéo theo giá tôm tăng cao. Từ đầu năm đến nay, giá tôm xanh duy trì mức giá khá tốt, từ 1.000.000 - 1.100.000 đồng/kg. Với giá bán hiện tại, mỗi kg tôm hùm ngư dân lãi từ 300.000 - 400.000 đồng sau 8 tháng nuôi.
Ông Phạm Ngọc Luyện - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa cho biết: "Bà con đang theo dõi thị trường và chọn đối tượng nuôi cho phù hợp, giảm dần lượng tôm hùm bông để tránh thiệt hại cho sản xuất khi không xuất được".
"Thị trường cần tôm hùm xanh, tại sao không nuôi tôm hùm xanh để bán. Cái thứ hai, tôi cho rằng, sàn xuất phải hướng đến tính bền vững và chính ngạch", PGS.TS Võ Văn Nha - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho hay.
Hiện nay, Trung Quốc chiếm đến 98 - 99% thị phần tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam; còn lại là các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)…
Hỗ trợ xuất khẩu tôm hùm chính ngạch
Với tiềm năng và nhiều lợi thế vốn có, ngành nuôi tôm hùm ở Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, mục tiêu là có thể trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Để đạt được điều này, cần có sự đầu tư và cam kết từ cả chính quyền, doanh nghiệp và người nuôi tôm.
Nhiều địa phương đang triển khai các giải pháp để làm sao bà con ngư dân hiểu rõ các quy trình xuất khẩu chính ngạch và tuân thủ các quy định từ thị trường quốc tế.
Sản lượng tôm hùm của Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 3.200 tấn.
Hầu hết những ngư dân nuôi tôm hùm và các doanh nghiệp ở Phú Yên xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc phần lớn xuất khẩu tiểu ngạch. Nhưng bây giờ họ đang tiếp cận phương thức mới để tạo đầu ra cho tôm hùm đó là quy trình xuất khẩu chính ngạch.
Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 đã thông tin về những quy định mà phía Trung Quốc yêu cầu đối với tôm khi xuất khẩu sang thị trường này và cả hướng dẫn qui trình xuất khẩu chính ngạch.
Sản lượng tôm hùm của Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 3.200 tấn nhưng có đến 90% tôm xuất sang Trung Quốc, phần lớn xuất theo đường tiểu ngạch, trong khi thị trường này đang đưa ra các qui định khắt khe đối với sản phẩm tôm hùm.
Vì vậy, hiện nay các địa phương có nghề nuôi tôm hùm lớn như Phú Yên đang phối hợp với các ngành và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn triển khai qui trình xuất khẩu tôm hùm chính ngạch đến với doanh nghiệp và ngư dân.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng và còn nhiều cơ hội rộng mở cho tôm hùm Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức với các doanh nghiệp trong nước là thị trường này ngày càng khó tính, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng.
Do vậy, việc giúp ngư dân cùng doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm nắm bắt được qui trình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là yêu cầu đặt ra cấp bách và bắt buộc phải thực hiện.
Theo yêu cầu từ phía cơ quan chức năng của Trung Quốc, tôm hùm bông phải được nuôi từ con giống F2, cơ sở xuất khẩu phải đăng ký mã số. Tuy nhiên, trên thế giới chưa có quốc gia nào sản xuất được giống nhân tạo, chủ yếu thu gom tự nhiên.
Trong khi đó, Việt Nam đã làm được 9 trên 10 bước về sản xuất giống tôm hùm bông. Từ kết quả nghiên cứu khoa học thành sản xuất thực tế sẽ là bài toán khó và cần thêm thời gian. Nhưng đây cũng là tín hiệu lạc quan cho ngành thủy sản và bà con nuôi tôm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!