Hội nghị ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, chiều 20/9, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Qua rà soát, đã có trên 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, với số lượng là trên 83.000 khách hàng tại các địa phương. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề đều chịu thiệt hại.
Hội nghị kết nối trực tuyến với UBND 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng để nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của các địa phương và đưa ra các phương án hỗ trợ sớm nhất. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải nêu cao tinh thần chia sẻ, bằng nguồn lực nội tại của mình, từ lợi nhuận, từ tiết giảm chi phí. Đặc biệt, cần có hành động kịp thời, đơn giản thủ tục, phải chủ động tìm đến khách hàng, không để xảy ra tình trạng xin - cho, hay trục lợi chính sách.
Thêm ngân hàng công bố miễn, giảm lãi suất cho vay
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại cam kết " nói thật, làm thật, hỗ trợ thật". Ngay trong ngày 20/9, nhiều ngân hàng cũng đã đưa ra các chính sách ưu đãi, miễn giảm lãi suất cho vay. Khảo sát sơ bộ của VTV, đến nay đã có khoảng hơn chục ngân hàng công bố chính sách hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi bão lũ. Đa phần các ngân hàng đều giảm lãi cho cả khoản vay cũ và mới, để khách hàng có nguồn vốn tái sản xuất.
Bà Nguyễn Ánh Vân - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cho biết: "Chúng tôi sẽ triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay lên đến 2%/năm, với tổng quy mô dư nợ lên tới 30.000 tỷ đồng và khoảng hơn 63.000 khách hàng…".
"Chúng tôi thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ, đánh giá khách hàng để giảm lãi từ 1 - 2% với khách hàng…", ông Trần Văn Luân - Phó Tổng giám đốc điều hành, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng & Phát triển (PGBank) cho hay.
Ngoài mức ưu đãi cho vay ngắn hạn chỉ từ 4,5%/năm, Ngân hàng SHB còn miễn, giảm lãi phải trả cho người vay từ nay tới cuối năm. Tức là chỉ cố gắng thu nợ gốc, còn chia sẻ mức lãi với người dân.
Các ngân hàng cho biết vẫn đang tiếp tục rà soát để đưa ra thêm các gói cụ thể hơn cho từng ngành, từng lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề mà cần thời gian hỗ trợ dài hơn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Xem xét cơ cấu nợ, khoanh nợ cho người vay
Các chính sách miễn, giảm lãi suất sẽ là cứu cánh kịp thời để giảm bớt gánh nặng tài chính trên vai người dân, doanh nghiệp. Nhưng cơn bão số 3 vừa qua, đã cuốn trôi rất nhiều tài sản, nhà cửa.
Riêng với lĩnh vực thủy sản, Thủ tướng đang giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng ưu đãi cho lâm, thủy sản lên 50.000 - 60.000 tỷ đồng. Gói vay này năm ngoái có tiến độ giải ngân rất hiệu quả. Còn trước mắt, các ngân hàng cũng đang thực hiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ với các khách hàng chịu ảnh hưởng. Với các địa phương thiệt hại nặng như Quảng Ninh, UBND tỉnh đã đề xuất khoanh nợ và cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp.
Ông Nguyễn Sỹ Bính (Vân Đồn, Quảng Ninh) đã không còn nhận ra trang trại nuôi thuỷ sản trù phú của mình sau cơn bão số 3. Lồng bè nuôi cá, nuôi ngao vỡ nát, trôi ra biển, gần 10 tỷ đồng đã bị bão đánh tan.
"Mất mát cơn bão không kể hết, không ai mà không buồn. Không còn cách nào bắt buộc phải bám biển, bắt buộc phải làm lại mới tháo gỡ được nợ", ông Bính chia sẻ.
Cái cần nhất của ông Bính bây giờ là được vay tín chấp 1 tỷ đồng, Số tiền này đủ để ông tái sản xuất, mua vật tư con giống nuôi thả khoảng 1 ha các loại cá và hầu đón vụ mùa mới.
Các chính sách miễn, giảm lãi suất sẽ là cứu cánh kịp thời để giảm bớt gánh nặng tài chính trên vai người dân, doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Tại các tỉnh phía Bắc, riêng với lĩnh vực thủy sản hơn 4.200 lồng bè nuôi trồng đã bị hư hỏng, cuốn trôi, tính toán sơ bộ bước đầu, thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng.
Ông Phan Thanh Nghị - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh cho biết: "Chúng tôi cần những hỗ trợ đặc thù riêng biệt, như những chính sách hỗ trợ lãi suất vay của các hộ đã vay để thực hiện nuôi trồng, những chính sách vay thế chấp là rất khó nên chúng tôi cần vay tín chấp".
Nhiều ngân hàng cho biết sẵn sàng làm việc cùng người vay để có phương án vay tín chấp, hoặc cơ cấu nợ dựa trên dòng tiền, hay nguồn thu của khách hàng.
Bà Nguyễn Ánh Vân - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cho biết: "Chúng tôi sẽ hôc trợ khách hàng cơ cấu về nợ và gia hạn khoảng 1 năm, sau đó chúng tôi sẽ cân đối tiếp tình hình tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng giúp khách hàng vượt qua khó khăn và tránh tình trạng đình trệ sản xuất, nợ xấu".
Nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho người vay không bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn, các ngân hàng thương mại đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ban hành cơ chế chính sách mới về cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hoặc khoanh nợ cho một địa phương chịu thiệt hại nặng.
Tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang nghiên cứu và sớm trình Chính phủ các quy định về việc trích lập dự phòng, nhằm tạo cơ sở xây dựng chính sách giãn, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Điều này sẽ giúp các ngân hàng thương mại có hành lang pháp lý để triển khai chính sách hỗ trợ tốt hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm có các giải pháp tổng thể, quyết liệt hơn để sớm khôi phục sản xuất.
Hải Phòng nhanh chóng khôi phục sản xuất
Dưới ảnh hưởng của cơn bão số 3, các khu công nghiệp, nhà máy cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ví dụ như tại Quảng Ninh, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hạ Long, thiệt hại trong lĩnh vực công nghiệp khoảng 630 tỷ đồng. Hay như Hải Phòng, cũng có đến hơn 30.000 công trình nhà xưởng, xí nghiệp, công trình công nghiệp bị hư hại. Tuy nhiên, ngay sau khi bão tan, các hoạt động sản xuất đã ngay lập tức được khôi phục.
Những âm thanh của máy móc vào guồng; Người công nhân đang miệt mài làm việc… Nếu chỉ nhìn những hình ảnh đó, thì ít ai có thể nghĩ Công ty TNHH Kỹ thuật bao bì Adhes Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Phía bên ngoài nhà máy, những kiện hàng hoá bị dính nước đang chuẩn bị được bỏ đi, những cánh cửa không còn nguyên vẹn sắp được thay thế.
Bà Cao Ping - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật bao bì Adhes Việt Nam cho biết: "Đến giờ chúng tôi đã khôi phục lại được 30 - 40% sản xuất. Chắc cũng cần khoảng gần 1 tuần nữa để tất cả các hoạt động trở lại bình thường. Chúng tôi cũng cố gắng hỗ trợ, ví dụ như là chuẩn bị bữa tối cho cả những người không tăng ca".
Các doanh nghiệp đã sẵn sàng quay trở lại sản xuất, chuẩn bị cho một mùa vụ cuối năm đang tới rất gần. Ảnh: Báo Nhân dân.
Chủ đầu tư khu công nghiệp Deep C cho biết, phải mất đến 1 tuần nữa thì mới xác định chính xác số tiền thiệt hại. Đến tuần này, dựa trên lượng điện năng tiêu thụ, công suất của các nhà máy trong khu đạt 66 - 70%.
Ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C cho biết: "Thiên tai là thiệt hại nhưng đó cũng là cách để chúng ta xây dựng với những tiêu chuẩn cao hơn. Cách đây 6 năm, khi xây dựng khu công nghiệp này, chúng tôi đã tính toán để đi ngầm, dưới mặt đất toàn bộ hệ thống điện, đường dẫn khí gas, nước. Đó là lí do mà các nhà máy của chúng tôi chỉ bị hư hại về cơ sở vật chất như là tốc mái, đổ tường…".
Tàn dư của bão được dọn dẹp, nhà xưởng được khôi phục, hàng hoá lại đầy ắp trong kho… tất cả đã sẵn sàng quay trở lại sản xuất, chuẩn bị cho một mùa vụ cuối năm đang tới rất gần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!