Yếu tố nào đã đẩy kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái kỹ thuật?

Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ sáu, ngày 09/06/2023 12:04 GMT+7

VTV.vn - Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gồm 20 nền kinh tế, đã rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật trong quý đầu năm nay.

Kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái kỹ thuật

Một diễn biến đáng chú ý của kinh tế thế giới trong 24 giờ qua là việc Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố các dữ liệu chính thức cho thấy, Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gồm 20 nền kinh tế, đã rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật trong quý đầu năm nay.

Trong 3 tháng đầu năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone ghi nhận mức giảm hàng quý là 0,1%. Trước đó, trong quý IV/2022, kinh tế khu vực Eurozone cũng ghi nhận mức giảm tương tự. Như vậy, từ chỗ được dự báo bị đình trệ với mức tăng trưởng 0%, kinh tế Eurozone đã thực sự rơi vào suy thoái kỹ thuật khi GDP suy giảm trong hai quý liên tiếp.

Thị trường đã phản ứng thận trọng với thông tin này. Chỉ số STOXX 600 của chứng khoán châu Âu kết thúc phiên giao dịch ngày 8/6 với mức giảm nhẹ. Các nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông và tiêu dùng đều đi xuống trong phiên này.

Yếu tố nào đã đẩy kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái kỹ thuật? - Ảnh 1.

Biểu tượng đồng Euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: Getty.

Nguyên nhân kinh tế Eurozone suy thoái

Tổng sản phẩm nội địa của Eurozonesuy giảm do nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa rất yếu. Người tiêu dùng châu Âu giảm chi tiêu, ngay cả lúc này khi lạm phát đã hạ nhiệt thì mọi người cũng vẫn thận trọng trong tiêu dùng. Hậu quả của tiêu dùng sút giảm là sản xuất công nghiệp trì trệ.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là nước Đức đã rơi vào suy thoái do hoạt động sản xuất bị thu hẹp vì nhu cầu yếu cũng là lý do chính làm cho GDP toàn khối Eurozone sụt giảm. Những nước xuất khẩu hàng đầu bị tác động rõ nét hơn cả ngoài Đức còn có Ireland, Hà Lan…

Có thể nói tác động của cơn sốt giá năng lượng hồi tháng 8/2022 hiện mới dần dần phát lộ, sau khi các nước giảm dần trợ cấp chi phí năng lượng.

Yếu tố nào đã đẩy kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái kỹ thuật? - Ảnh 2.

Khách hàng lựa chọn mua hàng hoá trong siêu thị ở Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Các tổ chức dự báo thận trọng về triển vọng triển vọng Eurozone

Có thể thấy mặc dù giá năng lượng và áp lực lạm phát đã phần nào hạ nhiệt, kinh tế Eurozone vẫn đang phải đối mặt với nhiều sức ép. Trong các dự báo mới đưa ra trong tuần này, các tổ chức quốc tế đều đưa ra những nhận định khá thận trọng về triển vọng của kinh tế Eurozone trong năm nay.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Eurozone sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế chỉ 0,9% trong năm nay. Ngân hàng Thế giới (World Bank) thận trọng hơn với dự báo là 0,4%.

Các kết quả này dù có cải thiện so với dự báo hồi đầu năm nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,5% trong năm ngoái. Các chuyên gia cảnh báo, việc lãi suất liên tục tăng cao sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Thị trường hiện đang chờ đợi cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ diễn ra trong tuần tới. Giới chức ECB nhìn chung vẫn có quan điểm ủng hộ việc tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.

Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết: "Các quyết định trong tương lai của chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các mức lãi suất chính sách sẽ được đẩy đến mức đủ để hạn chế đà tăng giá cả, kịp thời đưa lạm phát trở lại với mục tiêu trung hạn 2% của chúng tôi và tiếp tục duy trì ở mức đó trong thời gian cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng cách tiếp cận dựa trên các dữ liệu, để xác định mức độ và thời gian hạn chế lạm phát thích hợp".

Kinh tế Eurozone suy thoái có ảnh hưởng đến quyết định của ECB?

Eurozone đúng là đã rơi vào suy thoái kỹ thuật, nhưng chỉ là suy thoái nhẹ, 0,1%. Mức suy giảm này chưa đủ nhiều để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thay đổi chính sách.

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã từng ước tính rằng việc thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ làm GDP giảm trung bình 2 điểm phần trăm trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, với mức giảm nhiều nhất là trong năm nay.

Mục tiêu chính của Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn là giảm lạm phát và sẽ duy trì lãi suất cơ bản ở mức đủ cao để kéo lạm phát xuống và đủ thấp để hoạt động kinh tế của khối Eurozone không thụt lùi.

Nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 2 đợt nữa, mỗi đợt 25 điểm cơ bản. Như vậy, sau khi đã thực hiện các đợt tăng lãi suất tổng cộng là 3,75 điểm phần trăm kể từ tháng 7 năm ngoái, giới chức ECB nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực chống lạm phát, ngay cả khi nền kinh tế vừa rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, việc lãi suất tiếp tục tăng, được dự báo sẽ gia tăng sức ép lên người tiêu dùng và khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận dòng vốn để tái đầu tư và mở rộng sản xuất. Điều này sẽ khiến nền kinh tế khu vực đối mặt với áp lực lớn trong phần còn lại của năm 2023.

Eurozone rơi vào suy thoái Eurozone rơi vào suy thoái

VTV.vn - Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) suy thoái nhẹ trong quý I năm nay, theo các dữ liệu chính thức sửa đổi vừa được công bố chiều nay (8/6).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước