Ca sĩ Thanh Lam trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 7.
Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2015), chương trình Giai điệu tự hào tháng 7 với chủ đề Tên anh đã thành tên đất nước đã thể hiện lại nhiều ca khúc bất tử, nhằm ngợi ca chân dung những người chiến sĩ nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam như: Võ Thị Sáu, anh hùng Núp, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Văn Sáu, Lê Anh Xuân.
Mỗi ca khúc đều mang những dấu ấn riêng về chân dung các anh hùng. Phần lớn các ca khúc đều được thể hiện với giai điệu hào hùng cùng lời ca da diết. Trong đó, ca khúc Dáng đứng Việt Nam do diva Thanh Lam biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng đang tạm chinh phục người nghe nhiều nhất. Đây là một ca khúc vô cùng đặc biệt, được nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ phổ nhạc từ lời thơ của tác giả Lê Anh Xuân. Lời thơ ca ngợi chiến sĩ Nguyễn Văn Sáu nhưng thông qua ca khúc, nhạc sĩ lại hướng đến công lao của chính nhà thơ Lê Anh Xuân - liệt sĩ trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Ca khúc đã tạo nên hình ảnh biểu tượng của người chiến sĩ giải phóng quân Việt Nam.
Thanh Lam thể hiện ca khúc Dáng đứng Việt Nam cùng dàn nhạc giao hưởng.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường đánh giá: "Ca khúc rất khó hát vì mang âm hưởng như nhạc kịch, những lời hát như lời độc thoại hùng tráng. Nhưng tiết mục vẫn được thể hiện hay và có kết thúc bề thế đúng như một tượng đài”. Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai cũng dành lời ngợi khen của phần thể hiện của ca sĩ Thanh Lam. Bà cho biết: "Thanh Lam đã khiến tôi 'nổi da gà' với ca khúc này".
Bên cạnh đó, ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu cũng giành được nhiều sự quan tâm của khán giả. Nhóm O Plus đã thể hiện thành công sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, người thuộc lớp tiền bối của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam. Ca khúc viết về tấm gương bất khuất của người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, người thiếu nữ đã đi vào huyền thoại của lịch sử chiến tranh Việt Nam. Mặc dù ra đời từ cách đây gần 60 năm nhưng những giai điệu mộc mạc, ca từ xúc động của tác phẩm vẫn đi vào lòng người nghe.
Hình ảnh nhà tù được dựng nên sống động trong tiết mục Biết ơn chị Võ Thị Sáu.
Đặc biệt, sân khấu được dàn dựng sống động với hình ảnh nhà tù và nhân vật chị Võ Thị Sáu. Thiếu tá Nguyễn Minh Cường – một thành viên của Hội đồng bình luận trẻ tuổi chia sẻ: “Ca khúc viết về sự hy sinh, mất mát nhưng vẫn gợi nên cảm giác êm đềm, trong trẻo như tuổi 16 của người anh hùng Võ Thị Sáu. Từ đó, người nghe thấy được niềm hy vọng nảy mầm trong sự ra đi. Cái đẹp vẫn hiện lên trong nỗi đau một cách vẹn toàn”.
Với âm hưởng mang tinh thần Cách mạng, ca khúc Những cánh chim Hồng Gấm cũng là một trong những sáng tác xuất hiện ở chương trình. Giọng ca thính phòng Hồng Vy là người thể hiện ca khúc này, nhằm ca ngợi nữ chiến sĩ trẻ Lê Thị Hồng Gấm đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã đưa cả làn điệu dân ca Nam Bộ vào ca khúc, làm sáng tác này vừa trở nên xúc động vừa gần gũi hơn với người nghe.
Hình ảnh vùng sông nước được tái hiện trong tiết mục Những cánh chim Hồng Gấm.
Bởi vậy, tiết mục được dàn dựng chân thực với khung cảnh sông nước, miệt vườn vùng Nam Bộ và hình ảnh những cô gái quàng khăn rằn, biểu tượng cho tuổi thanh xuân của những chiến sĩ trẻ như Lê Thị Hồng Gấm. Mặc dù ca từ của ca khúc đã tạo nên ý kiến trái chiều giữa một số thành viên của hai Hội đồng bình luận nhưng nhà thơ – nhà nghiên cứu âm nhạc Thụy Kha cho rằng, điều quan trọng là ca khúc ngợi ca sự ra đi của người chiến sĩ mà không bi lụy, vẫn thể hiện được sức trẻ.
Lời anh vọng mãi ngàn năm cũng là tiết mục không kém phần ấn tượng với sự góp mặt của dàn nhạc giao hưởng trên sân khấu. Ca sĩ Đức Tuấn đã gợi nhắc cho người nghe về sự dũng cảm của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Sáng tác này của nhạc sĩ Vũ Thanh được thể hiện qua bản phối của Nguyễn Đức Long, mang âm hưởng mạnh mẽ mà thiết tha. Ca từ khiến nhà thơ Đặng Vương Hưng thấy ám ảnh. Ông càng khiến nhiều khán giả xúc động hơn khi đọc lá thư anh hùng Nguyễn Văn Trỗi từng gửi gia đình, được trích trong cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam.
Ca sĩ Đức Tuấn thể hiện ca khúc về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.
Ngoài ra, tiết mục Cùng anh tiến quân trên con đường dài để lại dấu ấn bằng sự giao thoa giữa hai thế hệ nghệ sĩ. Tác phẩm được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc theo lời thơ của Xuân Sách, ca ngợi Nguyễn Viết Xuân, người chiến sĩ anh hùng bị thương nặng trong trận đánh ác liệt với quân địch nhưng vẫn tiếp tục chỉ huy chiến đấu. NSND Trần Hiếu và nhóm MTV thể hiện một bản phối mới cùng dàn giao hưởng. Từ đó, khán giả được lắng nghe ca khúc với màu sắc khác lạ, da diết và bay bổng hơn nhưng vẫn giữ được nguyên ý nghĩa.
Tiết mục đã khiến các thành viên hai Hội đồng bình luận xúc động. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết, ông rất thích bản phối mới. Còn nhạc sĩ Trương Tuyết Mai ấn tượng với cả giai điệu và bối cảnh sân khấu đẹp mắt.
NSND Trần Hiếu biểu diễn cùng nhóm MTV.
Không chỉ có những khúc ca mang âm hưởng hào hùng, sâu lắng, chương trình còn mang đến không khí sôi động và mạnh mẽ hơn. Ban nhạc Ngũ Cung đã thể hiện bản phối mới của ca khúc Hát mừng anh hùng Núp, một tác phẩm về chiến công, tinh thần chiến đấu kiên cường của anh hùng Núp. Đó là người đã lãnh đạo người dân Ba Na và Ê-đê đứng lên chống thực dân Pháp. Tiết mục gây bất ngờ với các thành viên Hội đồng bình luận bởi sự pha trộn giữa phong cách Rock và âm nhạc Tây Nguyên. Nhạc sĩ Nguyễn Cường khẳng định, ban nhạc đã góp phần "tiếp lửa" cho ca khúc.
Ban nhạc Ngũ Cung đưa chất Rock vào ca khúc về anh hùng Núp.
Tỷ lệ bình chọn các ca khúc của Giai điệu tự hào tháng 7 từ khán giả trường quay:
1. Dáng đứng Việt Nam (Thanh Lam): 98%
2. Biết ơn chị Võ Thị Sáu (O Plus): 97,78%
3. Hát mừng anh hùng Núp (Ngũ Cung): 97,30%
4. Lời anh vọng mãi ngàn năm (Đức Tuấn): 94,39%
5. Những cánh chim Hồng Gấm (NSƯT Hồng Vy): 92,84%
6. Cùng anh tiến quân trên đường dài (NSND Trần Hiếu và MTV): 90,88%
Để theo dõi lại các tiết mục và phần bình luận về các ca khúc trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 7, mời quý vị và các bạn theo dõi qua video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.