Bác sĩ Ngọc chia sẻ: Già thì khổ, ai cũng biết, sinh lão bệnh tử. Nhưng già vẫn có thể sướng. Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Tuy vậy, thực tế, già thì khó mà sướng. Con người ta có khuynh hướng dễ thấy khổ hơn.
Bác sĩ Hồng Ngọc liệt kê ra 3 nỗi khổ thường gặp. Một là thiếu bạn. Thời gian trôi đi, nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần. Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên ... cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình. Quay quắt, căng thẳng, tủi thân. Thứ hai là thiếu ăn. Chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của dạ dày. Có thể nói, thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó. Người già có thể thích những món ăn kỳ cục, không sao. Men tiêu hóa được tiết ra từ tâm hồn chứ không chỉ từ dạ dày. Nỗi khổ thứ ba là thiếu vận động. Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, không chịu nghe lời ta nữa. Các khớp cứng lại, sưng lên, xương mỏng ra, giòn tan, dễ vỡ, gãy.
Những chia sẻ của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không chỉ giúp ích cho người già mà còn rất cần thiết cho người trẻ để hiểu và chăm sóc bố mẹ mình tốt hơn.
Cuốn sách cho thấy những cách nhìn nhận, cách giải quyết vấn đề của người già rất thú vị, rộng mở, chứ không đơn điệu như suy nghĩ thông thường.
Để có một tuổi già hạnh phúc, chẳng thể bỏ qua cuốn sách này “Già sao cho sướng” cuả bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.