Thế giới của Sophie - Tiểu thuyết về lịch sử triết học

Bảo Linh (Ban Thời sự)-Thứ năm, ngày 26/11/2015 16:30 GMT+7

VTV.vn - "Thế giới của Sophie" là một cuốn sách rất đặc biệt bởi là tiểu thuyết nhưng lại là tiểu thuyết về lịch sử triết học.

Xét thuần túy về lịch sử triết học, "Thể giới của Sophie" là một sự tóm lược cơ bản, ngắn gọn và hết sức sinh động suốt từ thời cổ đại Hy Lạp - La Mã cho tới thời hiện đại, với những gương mặt của các triết gia tiêu biểu nhất. Tuy nhiên, điều lý thú nhất ở cuốn sách là hình thức thể hiện cách xem xét lịch sử tư tưởng nhân loại của tác giả. Ở đây, lịch sử triết học được viết dưới dạng những bài giảng, thư từ và các cuộc trò chuyện giữa ông giáo môn triết học Alberto - một đầu óc thông thái, uyển chuyển, giàu kiến thức, với Sophie - một cô bé 14 tuổi, đầu óc ngây thơ, hồn nhiên. Không phải ngẫu nhiên Jostein Gaarder lại để cho nhân vật học triết của mình ở tuổi 14 - 15. Ở tuổi này, phần lớn con người biết khao khát hiểu biết tri thức nhân loại, nhưng lại chưa kịp chất chứa trong đầu óc, mình bất kỳ thành kiến nào. Cả Alberto và Sophie đều là những đầu óc rộng mở, không định kiến. Họ không đổ khuôn cho lịch sử trong khi xem xét nó để rồi ném tất cả vào cái khuôn đó, nếu không vào khuôn thì bị loại vì không có giá trị.

Câu chuyện độc đáo giữa hai thầy trò Alberto và Sophie, tuy nhiên, lại nằm trong khuôn khổ của một cuốn tiểu thuyết do thiếu tá Albert, một nhân vật giấu mặt của truyện, viết để tặng con gái mình nhân sinh nhật 15 tuổi. Cách xây dựng kết cấu câu chuyện của tác giả như vậy cũng chứa đựng tính triết học sâu sắc. Mọi hành động, mọi suy nghĩ tính toán dù đến mức nào của hai nhân vật Alberto và Sophie thực ra đều nằm trong trò chơi của ông thiếu tá Albert với chiếc máy chữ cà tàng. Điều đó cũng giống như con người, vừa tác động vào thế giới, lại vừa nằm trong sự ngự trị của các qui luật vũ trụ. Con người thật vĩ đại nhưng cũng rất nhỏ nhoi trong trò chơi của vũ trụ. Tuy nhiên, con người vẫn có thể vĩnh cửu. Để khẳng định điều này, tác giả đã để hai nhân vật Alberto và Sophie vượt ra khỏi tính toán của người tạo ra họ sang thế giới những nhân vật của truyện cổ Grim hay của Andersen, những nhân vật đã chứng minh được sự sống mãi của chúng ta trong lòng người đọc.

Đối với người đọc Việt Nam, có thể Jostein Gaarder có cách tư duy và một cách nhìn rất khác, rất mới. Tác giả đã cố gắng nhìn nhận tư tưởng của các triết gia như nó vốn có, tái hiện nó và không dùng nhãn quan của mình để đánh giá nó. Sự phân tích các học thuyết triết học được thể hiện khéo léo bằng cách để cho người thầy giáo trả lời các câu hỏi của học sinh mình.

Điều kỳ diệu của "Thế giới của Sophie" chính là ở chỗ triết học dưới ngòi bút của tác giả khiến cho người đọc thấy thật gần gũi với cuộc sống, cho tất cả mọi người. Với sự tài tình của Jostein Gaarder, bất kỳ ai sau khi đọc cuốn sách cũng sẽ đem lòng yêu mến triết học, một bộ môn gần như bị định kiến trong sinh viên, học sinh do tư duy và cách thức giảng dạy nghèo nàn bộ môn này trong nhà trường của chúng ta hiện nay.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước