Phạm Anh Khoa: “Rock cho tôi một lối đi”

Tuấn Khanh (Tuổi trẻ Online)-Chủ nhật, ngày 17/08/2014 14:23 GMT+7

(Ảnh: Phạm Anh Khoa FB)

Đã 10 năm kể từ ngày Phạm Anh Khoa - ca sĩ thành danh từ Sao Mai Điểm hẹn 2006 - đeo balô, tay xách giỏ... lên xe đò ở Cam Ranh đến Sài Gòn học nhạc, cũng như chập chững bước vào thế giới sân khấu.

10 năm đó là một cuộc chạy không ngừng nghỉ để tìm kiếm một chỗ đứng trước khán giả, có lúc được, có lúc mất. Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà dần dần Phạm Anh Khoa trở thành một trong những ca sĩ nhạc rock quen thuộc và hiếm hoi, luôn quyết ghì chặt con đường đã chọn.

Đứa trẻ hiếu động

Trong một cuộc nói chuyện với Phạm Anh Khoa, ôn lại mọi thứ, bất chợt cột mốc 10 năm hiện ra. Chính Khoa cũng tròn mắt ngạc nhiên khi nhẩm tính. Hóa ra khi mê mải, người ta quên cả ngày tháng, quên rất nhiều thứ.

Từ bé Phạm Anh Khoa là một đứa trẻ hiếu động, đến mức không ai biết được sau này lớn lên, nghề nghiệp của nó sẽ là gì.

Ba của Khoa đã thử dắt con đi gửi, cho học rất nhiều thứ để xem thằng nhỏ này thích hợp với điều gì. Cầu lông, võ thuật, vẽ... mọi thứ đều có vẻ như không giữ chân được Khoa lâu, duy chỉ khi ba đưa Khoa đến lớp nhạc của thầy Đỗ Hữu Hoàng để học guitar thì môn học này mới níu giữ được cậu bé. Lúc đó, Khoa cũng chẳng bao giờ tưởng tượng mai này mình sẽ gắn với guitar, với âm nhạc đến tận ngày sau.

Học âm nhạc với Khoa lúc đó chỉ là những ngày tháng thú vị, đánh đố, ganh đua cùng người con gái của thầy Hoàng. Hai chị em lấy âm nhạc làm niềm vui ở xứ gió nắng buồn hiu quanh năm. Ấy vậy mà thú vị biết mấy khi cả hai sau này lại trở thành niềm vui, niềm tự hào của dân đất Cam Ranh khi nhắc về những cái tên: Phạm Anh Khoa và Mai Khôi.

Những kỷ niệm về thời thơ ấu đó phác họa dần nên hình ảnh và tính cách một ca sĩ nhạc rock có biệt danh Mr. Pak hôm nay.

Từ khi biết đàn, hát và tự tin hơn một chút, Khoa đã biến sân Trường PTTH Phan Bội Châu hằng tuần, sau giờ chào cờ đầu tuần thành điểm trình diễn ngắn của mình. Dân Cam Ranh ở quanh đó không ai không biết một thằng Khoa tóc xoăn tít vẫn hay chộn rộn tổ chức lúc thì ca đơn, lúc thì ca nhóm. Cả trường đều biết đến Khoa trong tiếng cười sảng khoái, nồng nhiệt như nắng, như biển quê mình.

Cũng từ chuyện hát ở sân trường này mà cô giáo tiếng Anh của Khoa tìm ra được cách “trị” Khoa trong việc học hành.

“Từ nhỏ Khoa đã rất lười học tiếng Anh. Cô cứ mắng suốt và gần như bó tay. Cho đến lúc cô nghe em hát một bài nhạc tiếng Anh thịnh hành dưới sân đã nghĩ ngay đến cách bắt em học tiếng Anh qua bài hát. Nhờ vậy mà mình không phải lẹt đẹt môn học này nữa” - Khoa kể.

Quyết chọn âm nhạc từ đó nên ngay khi tốt nghiệp lớp 12, Khoa đã xin gia đình cho mình nhảy xe đò đến Sài Gòn để tìm trường học âm nhạc. Đó là năm 2004. Năm khởi đầu của một hành trình rock lăn tròn qua các phố thị.

Và thằng nhỏ chạy bàn lột xác

Cuộc đời của Phạm Anh Khoa là một chuỗi kiếm tìm cho ẩn số day dứt về âm nhạc. Mình sẽ chơi loại nhạc gì? Mình sẽ biểu diễn ra sao?... Quá nhiều câu hỏi trong đầu nên gặp nơi nào Khoa cũng xông vào.

Thi vào Nhạc viện TP, Khoa giật mình nhận ra mình không thuộc về âm nhạc cổ điển, thi vào khoa âm nhạc Trường đại học Văn hóa, Khoa cũng quyết định bỏ nửa chừng vì thấy mình không thích hợp với sư phạm hay hành chính văn hóa.

Một ngày cuối năm 2004, đến sân khấu ngoài trời của Nhà văn hóa Thanh niên, khi nhìn thấy nhóm nhạc rock Khoai Lang Tây trình diễn, Khoa bừng sáng và chợt nhận ra mình thuộc về rock, thuộc về một cái gì đó không cần quá nhiều hình thức, và phải mạnh mẽ, gần với đường phố, với hơi thở đời sống hiện đại. Ngay sau buổi diễn của nhóm Khoai Lang Tây, Khoa đứng chờ sẵn ở hậu trường và khẩn khoản: “Em có thể xin hát cho ban nhạc được không?”.

Thập niên 2000 bùng nổ cuộc quay lại của nhạc trẻ Việt Nam, nhưng sau đó cũng sớm tàn. Nhóm nhạc mà Khoa trở thành giọng hát chính trong một thời gian ngắn rồi cũng phải đến lúc chia tay. Khoa đành lây lất cuộc sống tại Sài Gòn và mưu sinh bằng nghề phục vụ bàn ở một quán cà phê có sinh hoạt hằng đêm là hát với nhau.

Một đêm vắng khách, không khí ở quán buồn chán. Thèm hát quá, Khoa rụt rè đến xin quản lý cho lên hát giúp vui một bài. Ngần ngừ một chút, rồi quản lý cũng cho hát thử, nhưng ông dè dặt đứng bên cạnh xem, nhằm kéo xuống cho nhanh nếu như thấy thằng nhỏ này hát quá tệ.

Khoa cầm micro lên và cất giọng hát cho thỏa vì lâu nay không có dịp. Giọng hát sấm sét của rock làm vang động cả khán phòng. Ban nhạc trợn mắt nhìn thằng nhỏ chạy bàn lột xác. Quản lý quán thì vẫy tay lại, nói chuyện ngay sau khi bài hát kết thúc: công việc của Khoa được đổi từ phục vụ bàn tám giờ một ngày thành hát hằng đêm ở ngay tại nơi đó, à quên, lương thì không đổi!

Một năm sau khi đến Sài Gòn, Khoa bắt đầu kiếm sống được bằng âm nhạc. Lời đồn về một thanh niên hát rock ở quán cà phê ấy lan đi, Khoa lại được một vài nơi khác mời thêm. Cũng là một dịp may vì ngay khi Khoa tự trang trải cho mình được thì cũng là lúc gia đình của Khoa gặp khó khăn, không còn trợ sức cho Khoa được nữa.

Rock, chạy đến vô cùng

Từ Sao Mai điểm hẹn 2006, cái tên đầy hài hước Mr.Pak bắt đầu xuất hiện như một ngôi sao mới.

Bài hát Khoa gây ấn tượng lớn đầu tiên với khán giả Việt Nam là Hạc giấy của Võ Thiện Thanh. Cùng với nhạc sĩ Đức Trí và nhà quản lý Hà Quang Minh (cũng là nhạc sĩ), Khoa đã bước một bước thật dài trên con đường âm nhạc mà bất kỳ ca sĩ nhạc rock nào hiện nay cũng phải ước mơ để có một hành trình như vậy.

Ít ai biết rằng cuối năm 2013, Khoa âm thầm làm một cuộc chạy marathon từ Sài Gòn đến Cam Ranh để quyên tiền từ bạn bè mình, và cả tiền dành dụm của mình để giúp cho bảy trại trẻ mồ côi dọc tuyến đi. Mỗi ngày Khoa chạy 30km và mời mọi người nhắn tin, góp tiền vào những lúc ấy. Đã có hơn 700 triệu đồng được chia cho các trại mồ côi đó.

“Khoa rất ngại việc quảng bá cho từ thiện, vì nó... kỳ kỳ làm sao đó”, Khoa bối rối, cười, khi được hỏi vì sao hành trình đó chỉ được ghi lại trên Facebook của Khoa chứ không đưa cho báo chí. Khoa cũng nói là đã đi thật xa Cam Ranh nhưng rất nhớ mọi thứ,

nhớ từ cuộc đời bình lặng của tỉnh lẻ cho đến những khó khăn mà Khoa lớn lên cùng với nó, chứng kiến... nên làm một cái gì đó cho quê mình là điều Khoa luôn nghĩ tới. Năm nay Khoa cũng dự định chạy marathon vào cuối năm, từ Cam Ranh đến Đà Nẵng với mục đích quyên góp như vậy.

10 năm sự nghiệp của một rocker, Mr.Pak đang âm thầm đánh dấu một bước lớn vào tháng 9 này: anh sẽ cùng ban nhạc của mình đi Hong Kong để tham gia một chương trình giới thiệu gương mặt tiêu biểu cho rock Việt hôm nay, trên Channel V - một trong những kênh nhạc trẻ lừng danh toàn cầu.

Khoa đem đi Hong Kong bảy bài hát mới, trong đó Khoa nói rằng mình thể nghiệm một bài hát với âm nhạc ngũ cung Việt Nam trên nền hard rock. Bài hát có tên Rain (mưa). Nội dung nói về chuyện kể Sơn Tinh - Thủy Tinh trong cuộc chiến giành lấy Mỵ Nương.

“Đó là một câu chuyện cũ nhưng được kể bằng suy nghĩ khác. Có phải cổ tích người Việt luôn quen ca ngợi người thắng và lẽ phải như thuộc về người đó? Ngộ nhỡ Thủy Tinh chiến thắng thì chuyện kể sẽ ca ngợi ra sao? Không ai kể thêm rằng Thủy Tinh đã suy nghĩ gì trong thất bại của mình?”, Khoa nói với một vẻ hồn nhiên và nồng nhiệt, không khác gì ngày cậu học sinh Trường Phan Bội Châu chuẩn bị cho tiết mục đầu tuần.

Trái tim của tay rocker vẫn đầy xúc cảm trong nhịp đập dồn, như trên đường chạy marathon của đời mình, mà đã 10 năm chưa hề muốn ngơi nghỉ. Có lẽ còn xa hơn nữa, 20 hay 30 năm... chúng ta rồi cũng sẽ còn nghe tiếng hát của Mr.Pak trên đường chạy đến vô cùng của rock - con đường chỉ có những nghệ sĩ thật sự đam mê và cống hiến đời mình cho âm nhạc mới có đủ tư cách để đặt chân vào.

Cười với những khắc nghiệt

Trong câu chuyện đời của Mr. Pak, mọi thứ khắc nghiệt nhất đều diễn ra với nụ cười, dù là nhiều trạng thái của nụ cười.

Vào lúc khó khăn nhất, hoang mang không biết mình về đâu, Khoa về thăm nhà. Thầy Hoàng thấy thương mua vé số chia cho đứa học trò cũ, hi vọng đổi đời. Vậy mà hai tấm vé đó lại trúng độc đắc. Hai thầy trò nắm tay nhau cười nghiêng ngả. Khoa để lại một tờ cho gia đình, một tờ mang đến Sài Gòn để làm album. Không có kinh nghiệm, xui rủi gặp nhằm người vẽ vời... Khoa lại trắng tay, lại cười ngơ ngẩn, không biết phải bắt đầu lại như thế nào.

Năm 2006, Khoa dành thời gian thể nghiệm những sáng tác mới với nhạc sĩ Trịnh Gia Kiệt, cũng để tự mày mò thêm về sáng tác.

Hình ảnh của Khoa còn in trong trí nhớ của tôi, là một tay rocker loạng choạng đi tìm sự nghiệp của mình, cưỡi trên một chiếc xe nát bét, gầm gừ mà ít khi chịu lăn bánh. Khó mà quên được chuyện đến chiếc xe ấy mà cũng bị trộm, Khoa ôm đầu thì thầm: “Trời ơi, sao mày xui dữ vậy Khoa?”. Phải mấy tháng sau Khoa mới có lại được chiếc xe khác - cũng là một loại xe gầm gừ khó tính - từ tiền của mẹ gửi vào.

Khoa gây ấn tượng với nụ cười lấp lánh, nhưng điều này có lẽ ít ai biết: “Từ rất lâu, Khoa đã tập làm quen với việc phải quên nhanh những điều buồn phiền để có thể đi tới. Cười giống như một cục tẩy để xóa đi hết những điều nặng nề đọng lại. Nó hiệu nghiệm đến mức nhiều khi hỏi lại, tự mình cũng không còn biết rõ nữa” - Khoa cười nói.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước