Sáng 30/10, phiên tòa xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các đồng phạm trong vụ án sai phạm đấu thầu tiếp tục với phần tranh luận.
Sau khi xem xét những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Thị Thanh Nhàn mức án 12 – 13 năm tù tội "Đưa hối lộ", tổng hợp với bản án khác, bị cáo Nhàn phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù; 4 bị cáo bị truy tố tội "Nhận hối lộ" gồm Nguyễn Nhân Chiến mức án 4 – 5 năm; Nguyễn Tử Quỳnh mức án 3 đến 3 năm 6 tháng tù; Trần Văn Tuynh mức án 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù; Nguyễn Hạnh Chung mức án 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù; đề nghị mức án 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù với Nguyễn Tiến Nhường tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Các bị cáo bị truy tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Nguyễn Hồng Sơn mức án 10 năm đến – 11 năm tù, tổng hợp với bản án khác buộc bị cáo phải chấp hành là 17 – 18 năm tù; Lã Tuấn Hưng (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng) mức án 2 đến 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Đằng An (nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án công trình Xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế) mức án 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Kim Huân (nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế) mức án 18 đến 24 tháng tù; Đặng Xuân Minh (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá BTC VALUE) mức án 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Viết Toản (Công ty AIC) mức án 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Đăng Linh (Công ty AIC) mức án 18 tháng đến 24 tháng tù.
Đại diện VKS cho rằng quá trình xét xử cho thấy cáo trạng truy tố của VKSND Tối cao là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan tổ chức Nhà nước, xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty, doanh nghiệp khác tham gia đấu thầu, mà trọng tâm ở đây là xâm phạm đến chính sách quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài chính.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Cho nên, việc xử lý đối với các bị cáo với hình phạt nghiêm, tương xứng với tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo là cần thiết, mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
Tuy nhiên, VKS cũng thấy rằng trên cơ sở vai trò của các bị cáo, hậu quả tác hại của vụ án, ý chí chủ quan của từng bị cáo cho thấy các bị cáo không có phân công, phân nhiệm chặt chẽ. Hành vi của các bị cáo là phạm tội giản đơn.
Phân tích vai trò, trách nhiệm của các bị cáo, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC) với vai trò là đối tượng chủ mưu, cầm đầu chịu trách nhiệm chính, không khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, bản thân bị cáo đã bị xét xử bởi 3 bản án tại các địa phương khác nhau, hiện vẫn bỏ trốn, cố tình cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nên không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Nguyễn Hồng Sơn (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) giúp sức tích cực cho bị cáo Nhàn thực hiện hành vi phạm tội, cũng đã bị xét xử bởi 3 bản án nhưng hiện vẫn bỏ trốn, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nên cần phải xử lý nghiêm khắc.
Các bị cáo Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh, Trần Văn Tuynh, Nguyễn Văn Nhường, Nguyễn Hạng Chung (khi thực hiện hành vi phạm tội là lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và lãnh đạo ngành, đơn vị Sở Y tế) khi thực hiện hành vi phạm tội cũng mong muốn có nguồn tiền để đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế cho 6 bệnh viện tuyến huyện để khám, chữa bệnh cho nhân dân; xuất thân từ gia đình lao động, có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong quá trình giải quyết vụ án; quá trình điều tra đã chủ động khai báo về số tiền được hưởng bất chính và đã vận động gia đình thay bị cáo nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi bất chính. Ngoài ra, trong giai đoạn xét xử, do hậu quả thiệt hại của vụ án chưa được bị cáo Nhàn khắc phục, các bị cáo đã tác động để gia đình nộp thêm tiền khắc phục hậu quả vụ án; quá trình công tác có nhiều thành tích xuất sắc; cơ quan tiến hành tố tụng nhận được nhiều đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo do các cơ quan, đơn vị, cá nhân nơi bị cáo đã từng công tác.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn công tác, các bị cáo trong khối cơ quan quản lý nhà nước đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét thể hiện qua các chỉ số ấn tượng trong lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh như: về kinh tế có nhiều chỉ tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước như giá trị sản xuất công nghiệp xếp thứ 2 toàn quốc... Đặc biệt, khi giữ cương vị lãnh đạo, các bị cáo ghi được dấu ấn đậm nét trong lòng cán bộ, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước như một lãnh đạo sát sao và quyết liệt, có tầm nhìn chiến lược và luôn vì sự phát triển chung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!