"Bòn rút" tiền Nhà nước, nguyên Giám đốc Công ty CIPC và 5 đồng phạm bị truy tố

TTXVN-Thứ tư, ngày 16/12/2020 14:00 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - VKSND TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Cao Minh Tâm (nguyên Giám đốc Công ty CP xây lắp và sản xuất công nghiệp) và 5 đồng phạm cùng tội tham ô tài sản.

5 đồng phạm của bị can Cao Minh Tâm (SN 1959) trong vụ án này đều là các cán bộ của Công ty CIPC gồm:

- Trần Tân Sơn (sinh năm 1977, kỹ sư xây dựng).

- Trần Văn Thắng (sinh năm 1979, kỹ sư xây dựng).

- Ngô Anh Tuấn (sinh năm 1972, cán bộ kỹ thuật điện công trình).

- Nguyễn Quang Duy (sinh năm 1991, thủ kho công trình).

- Cao Thanh Huyền (sinh năm 1988, kế toán).

Theo cáo trạng của VKSND thành phố Hà Nội, Công ty CIPC có 52,15% vốn Nhà nước. Năm 2016, Cao Minh Tâm được bổ nhiệm làm Giám đốc công ty. Tháng 3/2017, Công ty CIPC ký hợp đồng thi công các hạng mục công trình tầng hầm từ cốt 0,00 trở xuống với Công ty cổ phần Bất động sản Đông Anh, thuộc dự án tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở để bán tại 119 đường K2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Giá trị hợp đồng hơn 188 tỷ đồng.

Để thực hiện hợp đồng đã ký kết, Công ty CIPC ra quyết định thành lập Ban chỉ huy công trường gồm các bị can Trần Tân Sơn (Chỉ huy trưởng), Trần Văn Thắng (Chỉ huy phó), Cao Thanh Huyền (Kế toán công trường), Ngô Anh Tuấn (cán bộ kỹ thuật điện), Nguyễn Quang Duy (thủ kho) và một số thành viên khác.

Theo quy định, Ban chỉ huy công trường có trách nhiệm trực tiếp quản lý tài sản, con người, phương tiện, máy móc, tiến hành thi công các hạng mục công trình, lập hồ sơ nghiệm thu để làm căn cứ thanh toán với chủ đầu tư.

Trong quá trình thực hiện, Ban chỉ huy công trường, Phòng kế hoạch dự án, lãnh đạo Công ty CIPC đã đề xuất duyệt mua nguyên liệu (thép) số lượng lớn so với hồ sơ thiết kế. Theo quy định của Công ty CIPC về xử lý số lượng vật tư dư thừa, công ty phải có quyết định bằng văn bản việc thành lập hội đồng thanh lý, hội đồng bán đấu giá. Để chiếm đoạt tiền của công ty, các bị can đã rút tiền Nhà nước để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân.

Cụ thể, mặc dù Công ty chưa CIPC có quyết định, chưa thành lập hội đồng thanh lý, hội đồng đấu giá nhưng Cao Minh Tâm đã chỉ đạo cấp dưới bán thép vụn, thép cây, ván khuôn với số lượng lớn rồi chiếm đoạt. Tổng số tiền các bị can chiếm đoạt của Công ty CIPC từ việc bán thép vụn, thép cây, ván khuôn là hơn 860 triệu đồng. Trong đó, Trần Tân Sơn chiếm hưởng 15 triệu đồng; Ngô Anh Tuấn chiếm hưởng hơn 845 triệu đồng. Nguyễn Quang Duy bị xác định phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức.

Ngoài ra, các bị can Cao Minh Tâm, Trần Tân Sơn, Trần Văn Thắng và Cao Thanh Huyền còn bị Viện Kiểm sát kết luận có hành vi chiếm đoạt tiền thông qua việc lập hồ sơ thanh toán khống khối lượng vật tư, vật liệu (trên 4 hợp đồng).

Các bị can bị xác định đã rút quỹ công trường để chỉ tiêu hơn 1 tỷ đồng rồi thống nhất lập hồ sơ mua bán nguyên vật liệu khống với 4 công ty, gây thất thoát hơn 1 tỷ đồng của Công ty CIPC (trong đó hơn 144 triệu đồng đã nộp thuế và hơn 944 triệu đồng đã dùng để bù vào quỹ công trình do đã sử dụng chi tiêu trước).

Đối với hành vi này, Viện Kiểm sát cho rằng, Trần Văn Thắng đã chiếm hưởng hơn 355 triệu đồng, Trần Tân Sơn chiếm hưởng hơn 435 triệu đồng, Cao Minh Tâm chiếm hưởng 210 triệu đồng, Cao Thanh Huyền chiếm hưởng 20 triệu đồng.

Riêng Trần Văn Thắng còn chiếm hưởng số tiền quỹ công trường là hơn 24 triệu đồng. Thắng đã nộp 100 triệu đồng cho Công ty CIPC để khắc phục hậu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước