Cấm ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại

H.T-Thứ ba, ngày 16/06/2020 16:34 GMT+7

436/455 đại biểu tán thành thông qua dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Một trong những quy định đáng chú ý của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vừa được Quốc hội thông qua là quy định về bảo mật thông tin.

Chiều 16/6, Quốc hội đã thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với tỷ lệ 436/455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 90,27% tổng số đại biểu.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 04 chương, 42 điều, quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Cấm ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. (Ảnh: TTXVN)

Tại kỳ họp thứ 8 và Phiên họp thứ 41 của UBTVQH, các ĐBQH đã cho ý kiến về dự án Luật này. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, quy định về phạm vi hoạt động của Hòa giải viên đã được mở rộng nhằm tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được Hòa giải viên mà họ tín nhiệm, bảo đảm sự tự nguyện lựa chọn Hòa giải viên của người tham gia hòa giải, đối thoại.

Về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, nhằm khuyến khích người dân lựa chọn, đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Dự thảo Luật cũng quy định Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại là người ra Quyết định công nhận kết quả kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; đồng thời quy định rõ cơ chế xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành khi có khiếu nại, kiến nghị nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021

Cấm ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại

Một trong những quy định đáng chú ý của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là quy định về bảo mật thông tin.

Theo đó, hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại.

Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp như sau:

- Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ;

- Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định nêu trên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước