Chủ xe có phải chịu trách nhiệm liên đới trong vụ hất cảnh sát lên nắp capo?

Theo ANTĐ-Thứ tư, ngày 03/04/2024 10:01 GMT+7

VTV.vn - Đối tượng lái chiếc xe đi mượn không có giấy phép lái xe, vậy theo quy định, chủ xe giao xe cho người không có bằng lái điều khiển có vi phạm pháp luật?

Thời gian qua, tình trạng giao xe người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện (chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe) tham gia giao thông trên đường gây tai nạn diễn ra khá phổ biến. Bên giao, cho mượn xe thường vì tình cảm, chỗ quen biết hoặc là người trong gia đình nên giao phương tiện của mình cho bạn bè, người thân mượn để di chuyển dù biết người đó chưa đủ điều kiện.

Việc chủ xe giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện điều khiển không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người được giao xe mà còn vi phạm Luật Giao thông đường bộ và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi xảy ra tai nạn giao thông – luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Cũng theo luật sư Thu, khi giao xe ô tô cho người khác, chủ phương tiện cần xác minh người này có giấy phép lái xe hay chưa. Bởi, theo điểm b khoản 8 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng giấy phép lái xe bị tẩy xóa sẽ bị phạt tiền từ 10-12 triệu đồng khi điều khiển xe ô tô.

Chủ xe có phải chịu trách nhiệm liên đới trong vụ hất cảnh sát lên nắp capo? - Ảnh 1.

Ngoài ra, nếu lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra giấy tờ mà người điều khiển xe không xuất trình được giấy phép lái xe sẽ bị phạt về lỗi không có giấy phép lái xe, đồng thời bị tạm giữ xe theo thủ tục hành chính.

Theo Khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hạn tạm giữ phương tiện là 7 ngày. Trường hợp vi phạm giao thông có tình tiết phức tạp cần tiến hành xác minh, cảnh sát giao thông có thể tạm giữ phương tiện lên đến 30 ngày.

Điều đáng nói là trong trường hợp này, chủ xe ô tô cũng có thể phải chịu trách nhiệm liên đới. Khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng).

Trong khi đó, theo Khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Về xử lý hình sự, người nào giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Điều 264 BLHS 2015 sửa đổi với mức hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù.

Do đó, để tránh rơi vào vòng lao lý, khi giao xe cho người khác cất giữ hoặc cho người khác mượn xe chủ phương tiện cần cân nhắc, kiểm tra kỹ, không nên cả nể, tùy tiện kẻo ‘tiền mất, tật mang’ – luật sư Thu khuyến cáo.

Lời khai của tài xế 19 tuổi hất cảnh sát lên nắp capo ở Hà Nội Lời khai của tài xế 19 tuổi hất cảnh sát lên nắp capo ở Hà Nội

VTV.vn - Công an xác định, Nguyễn Việt Cường chưa có Giấy phép lái xe ô tô, không có nghề nghiệp, có một tiền án.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước