Có nên cân nhắc việc ghi âm, ghi hình trong công tác điều tra?

Quý Châu - Thế Anh (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ sáu, ngày 30/10/2015 11:33 GMT+7

VTV.vn - Đây là ý kiến của một số đại biểu tại Hội thảo về Bộ luật Tố tụng Hình sự do Bộ Công an vừa tổ chức.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều đồng tình với dự thảo của Bộ luật Tố tụng Hình sự về nội dung ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can. Theo các đại biểu, đây là hoạt động mà ngành điều tra đã và đang thực hiện để phục vụ công tác nghiệp vụ như: củng cố chứng cứ, chỉ đạo kiểm tra công tác hỏi cung, ngăn chặn hành vi vu cáo... Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, việc tiếp cận khoa học kỹ thuật công nghệ trong công tác điều tra là cần thiết, tuy nhiên cũng cần cân nhắc một số yếu tố để việc ghi âm, ghi hình mang lại hiệu quả thiết thực, tránh lãng phí.

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nhân dân cho rằng: ‘Việc áp dụng khoa học kỹ thuật để phục vụ điều tra và tiếp cận khoa học kỹ thuật là điều không cần bàn cãi, nhưng những yếu tố pháp lý phải đầy đủ và yếu tố kinh tế phải đảm bảo, có tác dụng thực tế chứ không áp dụng đại trà’.

Theo Thiếu tướng Lê Minh Hùng, Phó Giám đốc Học viện An ninh, Bộ Công an, để đảm bảo tính khách quan trong quá trình tố tụng, vấn đề ghi âm ghi hình không chỉ đặt ra đối với cơ quan điều tra. ‘Tại sao chỉ đặt vấn đề đảm bảo khách quan vô tư cũng như bảo vệ người bị hỏi cung đối với cơ quan điều tra mà không đặt vấn đề với người khác, với cơ quan khác. Ví dụ, người bào chữa, tham gia tố tụng cũng phải đảm bảo tính khách quan trong điều tra thì có ghi âm ghi hình không, hay các cơ quan tiến hành tố tụng khác, chủ thể của các cơ quan tố tụng, khác mà chỉ đặt vấn đề với cơ quan điều tra?’.

Để phòng, chống oan sai, bức cung nhục hình, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa còn cho rằng, biện pháp quan trọng hàng đầu đó là vấn đề con người. ‘Quan trọng nhất là, nếu để chống bức cung nhục hình, chống oan sai thì vấn đề giáo dục tinh thần và nâng cao trình độ kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp của điều tra viên, kiểm sát viên cùng những thẩm phán là vấn đề lâu dài, bền vững và chắc chắn’.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã kiến nghị, chỉ nên áp dụng ghi âm, ghi hình trong trường hợp bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan hoặc không nhận tội thì sẽ thực tế hơn với tình hình hiện nay.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước