Đồng Nai: Cảnh báo về chiêu trò, thủ đoạn mới trong tranh chấp đất đai

Hải Minh - Minh Tân-Thứ tư, ngày 24/04/2024 17:04 GMT+7

VTV.vn - Nhiều người dân đi khai hoang từ những năm 1980 tới nay, đang yên ổn phát triển kinh tế, bất ngờ bị một số người lạ mặt tới tranh chấp...

Những chủ đất "mới"... không hiểu từ đâu ra

Thẫn thờ đứng từ ngoài khu đất được quây lưới B40 và rào tôn, bà Hoa (sinh năm 1957) chỉ cho phóng viên Thời báo VTV về khu đất mà bà "không dám lui đến"...

Đồng Nai: Cảnh báo về chiêu trò, thủ đoạn mới trong tranh chấp đất đai - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Hoa bên ngoài lô đất bị một số người khác chiếm giữ

Đồng Nai: Cảnh báo về chiêu trò, thủ đoạn mới trong tranh chấp đất đai - Ảnh 2.

Phía ngoài khu đất được chính quyền địa phương và công ty cũ xác nhận là thuộc về bà Hoa

Bà Hoàng Thị Hoa cho biết gia đình bà đi phát triển kinh tế mới ở Đồng Nai từ những năm 1980. Năm 1993, bản thân được Công ty Vật tư và Dịch vụ kỹ thuật TP Hồ Chí Minh giao quản lý khu đất có diện tích khoảng 3ha thuộc khu phố 8, phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian được giao đất, bà Hoa đồng thời khai phá thêm phần đất chạy men theo bờ suối Chùa, thuộc thửa đất số 28, chạy song song với thửa 32 và 33 tờ bản đồ số 4.

Cho tới nay, bà được Công ty Vật tư và dịch vụ kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, UBND phường Long Bình xác nhận là người khai phá khu đất này, đồng thời, được Văn phòng đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh Biên Hòa đo đạc cấp giấy biên nhận hồ sơ đất thuộc thửa số 32, tờ bản đồ số 4 và thửa số 33, tờ bản đồ số 4.

Tuy nhiên, từ năm 2017, một số người có tên P.M.T; N.H.Q; N.V.T; H; T. "trọc" và H. "vườn điều" – một số nhân vật "máu mặt" tại phường Long Bình và phường Tân Hiệp, kéo đến trồng chuối, dựng chòi tôn, rào tôn, xây tường rào kiên cố và tuyên bố là chủ sở hữu những lô đất kể trên. Chia sẻ thêm về câu chuyện, bà Hoa cho biết nhóm người kể trên chỉ đáng tuổi con tuổi cháu bà, mà lại tự nhận là đất của họ do "đi phát triển kinh tế mới tại Đồng Nai những năm 1980", "nghe thật vô lý hết sức" – bà Hoa nói.

Dù gia đình bà Hoa nhiều lần phản đối, nhưng các đối tượng này mang hung khí như dao lê, mã tấu… đe dọa, cản trở, không cho bà Hoa lui tới phần đất này.

Đồng Nai: Cảnh báo về chiêu trò, thủ đoạn mới trong tranh chấp đất đai - Ảnh 3.

Nhóm người quây tường rào, nuôi gà trong lô đất bà Hoa có chứng nhận khai phá từ phía Công ty và UBND phường

Lo sợ và hoang mang trước những hành vi có tính chất côn đồ, bà Hoa cho biết đã gửi đơn cầu cứu tới nhiều cơ quan chức năng từ thời điểm đó cho đến nay, tuy nhiên, theo bà Hoa là "vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng nào".

Để tìm hiểu về câu chuyện này, Thời báo VTV (VTV Times) có gửi công văn tới UBND phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để xác minh song cũng chưa nhận được câu trả lời.

Đáng nói ở chỗ, câu chuyện kể trên không chỉ xảy ra với riêng trường hợp của bà Hoa…

Được biết, trong những năm gần đây, tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, xuất hiện nhiều đối tượng thường xuyên làm đơn tranh chấp đất đai với các hộ dân trên địa bàn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân, đồng thời, gây khó khăn, quá tải cho đội ngũ xử lý, giải quyết hồ sơ.

Đồng Nai: Cảnh báo về chiêu trò, thủ đoạn mới trong tranh chấp đất đai - Ảnh 4.

Là một người "mắc kẹt" trong hoàn cảnh này, ông Phan Quang Đông, ngụ xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai bức xúc cho biết, thửa đất được gia đình ông khai hoang từ năm 1980 và liên tục canh tác. Tuy nhiên, thời gian gần đây có đối tượng tên T.T.L (ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), khẳng định "đó là đất của bà ta" và nhiều lần gửi đơn tranh chấp khiến gia đình ông không thể làm được giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất do "có tranh chấp".

"Mệt mỏi" hơn gia đình ông Đông, gia đình anh Nguyễn Anh Hoàng, cũng ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, đã "2 đời" (gần 40 năm) phải liên tục tham gia các buổi hòa giải tranh chấp đất đai, đến nay, vẫn chưa có kết quả.

"Với thửa đất khai phá rộng hơn 11.000m2, các đối tượng muốn được chia 4000m2 thì mới để cho gia đình tôi yên" – anh Hoàng nói.

Nằm trong tình cảnh éo le hơn, ông Nguyễn Đức Đầy, ngụ khu phố 6, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, khẳng định hai thửa đất số tờ 41, thửa 145 và 146 do ông Đầy khai phá từ năm 1984, có giấy chứng nhận từ cơ quan chức năng. Hiện ông Đầy đã cất trên thửa đất này một căn nhà tiền chế, hàng năm vẫn trồng cây tràm.

Thế nhưng, tới năm 2020, ông Đầy có đổ đất để làm bằng phẳng khu đất thì ông H.M.D (ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cùng hàng chục người đến rào quanh thửa đất số 145 rồi dựng lên nhà tiền chế, trồng cây, nuôi động vật, tranh chấp đến nay. Khi ông Đầy kiến nghị đến UBND thị trấn Vĩnh An, đã có cơ quan chức năng đến hiện trường lập biên bản và đưa lên UBND thị trấn Vĩnh An hòa giải nhưng không thành. Đến nay, ông Đầy đã làm rất nhiều đơn đến UBND huyện Vĩnh Cửu và tỉnh Đồng Nai nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Khi vụ tranh chấp chưa được giải quyết, đồng nghĩa với việc, dù có là mảnh đất chính đáng đi chăng nữa, những người chủ đất không thể sang tên đổi chủ nếu có nhu cầu hoặc nặng nề hơn, như trong những trường hợp nêu trên, là không thể sử dụng đất của chính mình do liên tục bị sách nhiễu…

Đồng Nai: Cảnh báo về chiêu trò, thủ đoạn mới trong tranh chấp đất đai - Ảnh 5.

Hàng rào tôn được nhóm đối tượng dựng lên trên thửa đất gia đình bà Lê Thị Vui.

Cảnh báo về chiêu trò, thủ đoạn mới trong tranh chấp đất đai

Chia sẻ với Thời báo VTV, ông Nguyễn Trung Năng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết, thị trấn đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh của người dân về vấn đề này. Hiện thị trấn đánh giá việc này có xu hướng giống với một loại hình tội phạm mới trong vấn đề tranh chấp đất đai trên địa bàn.

Đồng Nai: Cảnh báo về chiêu trò, thủ đoạn mới trong tranh chấp đất đai - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Trung Năng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai chia sẻ với VTV Times

Trong đó, có hai hình thức: Một là những đối tượng tới sách nhiễu người dân chưa có căn cứ đầy đủ về mặt pháp lý chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó, gây áp lực bằng nhiều hình thức, buộc người dân phải "bôi trơn" bằng tiền hoặc cắt lại đất thì mới để yên; Hai là dạng một số hộ dân đã bỏ đi khỏi địa phương sau khi Nhà nước tạm trưng dụng 290 hecta để phục vụ xây dựng công trình thủy điện Trị An năm 1983. Đến nay, đất có giá mới quay lại đòi diện tích đất trước đây mà họ cho là đi khai hoang mà có được...

Đồng Nai: Cảnh báo về chiêu trò, thủ đoạn mới trong tranh chấp đất đai - Ảnh 7.

Cán bộ địa chính thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu chỉ các thông tin liên quan đến các khu đất đang tranh chấp. Ảnh: Minh Tân.

Với trường hợp của gia đình ông Nguyễn Đức Đầy, thị trấn Vĩnh An đã nhận được đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất. Từ tháng 10/2022, cơ quan chức năng đã nhiều lần mời gia đình ông Đầy và nhóm người tranh chấp đến hòa giải nhưng bất thành.

Trong quá trình hòa giải, gia đình ông Đầy đã cung cấp được công văn trước kia UBND tỉnh Đồng Nai giao đất cho gia đình. Còn nhóm người quây rào chỉ có những giấy tờ đo đạc sau này.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Trung Năng khẳng định, hồ sơ bản vẽ đo đạc địa chính chỉ thể hiện nhu cầu của người dân đối với đơn vị có thẩm quyền chức năng đo đạc - tức là một dạng dịch vụ, nếu muốn đo đất thì đơn vị đo đạc sẽ đáp ứng, chứ không phải giấy tờ thể thể hiện nguồn gốc sử dụng của mảnh đất.

Thực tế, trong những năm gần đây, ở nhiều địa phương tại tỉnh Đồng Nai, liên tiếp xảy ra tình trạng nhiều người chủ động đi đo đạc địa chính các thửa đất không phải của mình rồi khởi kiện ra tòa, gây khó khăn, quá tải cho hệ thống tư pháp trong việc thẩm định hồ sơ.

Hiện do quá trình hòa giải ở địa phương bất thành, vụ việc của ông Đầy đã được UBND thị trấn Vĩnh An hướng dẫn các bước giải quyết tiếp theo.

Thời báo VTV sẽ tiếp tục cập nhật tới độc giả trong bài viết tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước