Đường dây đánh bạc nghìn tỷ được CNC, VTC online và các nhà mạng chia chác như thế nào?

H.T-Thứ ba, ngày 13/11/2018 18:21 GMT+7

Từ trái qua phải: Bị can Phan Văn Vĩnh, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Thanh Hóa. Ảnh: Dân trí.

VTV.vn -Tổng số tiền đổ vào hệ thống game bài do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương điều hành được xác định lên tới gần 10 nghìn tỷ đồng với những khoản chia gây choáng váng dư luận.

Hôm nay (13/11), tại TAND Phú Thọ tiếp tục diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua hình thức game bài trực tuyến. Trong đó, Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương giữ vai trò khởi xướng, cầm đầu nhóm đối tượng vận hành game bài tổ chức đánh bạc và cũng là những cá nhân chủ chốt của VTC online và CNC, quyết định việc chia chác doanh thu từ đường dây đánh bạc lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay tại Việt Nam.

4 lần phân chia tỷ lệ doanh thu giữa CNC và VTC online

Đầu năm 2015, Phan Sào Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc - Công ty VTC online gặp Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐTV, người đại diện theo pháp luật của Công ty CNC. Tại thời điểm đó, Công ty CNC có trụ sở tại căn nhà 5 tầng số 10 Hồ Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (nhà thuê của Tổng cục Cảnh sát).

Qua giới thiệu, Nam biết Công ty CNC là công ty bình phong của Cục phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Tổng cục Cảnh sát nên Nam đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài và đưa cho Dương bản tóm tắt về dự án game để Dương nghiên cứu trước khi quyết định. Sau khi nghiên cứu dự án, Nguyễn Văn Dương đồng ý, thống nhất nội dung hợp tác với Phan Sào Nam.

Nguyễn Văn Dương chỉ đạo Lưu Thị Hồng - Tổng giám đốc Công ty CNC, ký Hợp đồng ngày 01/4/2015 với Công ty VTC online do Phan Sào Nam đại diện, về việc "cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ" cho dịch vụ "Win2All khai thác thương mại với tên Rikvip theo địa chỉ Web www.Rikvip.com".

Đường dây đánh bạc nghìn tỷ được CNC, VTC online và các nhà mạng chia chác như thế nào? - Ảnh 1.

Giao diện game bài Rikvip

Trong đó, Công ty CNC - Bên A "... đóng vai trò là đơn vị: Phát hành Dịch vụ (vận hành, quảng bá, chăm sóc khách hàng); Cung cấp hệ thống, giải pháp thanh toán cho Dịch vụ; Đứng tên giấy phép, văn bản chấp thuận theo quy định của pháp luật liên quan đến việc khai thác thương mại Dịch vụ tại Việt Nam.....". Công ty VTC online - Bên B: "....đóng vai trò là đơn vị: Sản xuất, phát triển và liên tục bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật nội dung Dịch vụ; Đầu tư về cơ sở hạ tầng như phần cứng (hệ thống máy chủ), các phần mềm liên quan (phần mềm bảo vệ, bảo mật, hệ điều hành...) theo yêu cầu đảm bảo triển khai Dịch vụ; Vận hành và đảm bảo hệ thống kỹ thuật luôn ổn định trong quá trình khai thác kinh doanh Dịch vụ. Kết nối kỹ thuật với hệ thống thanh toán của Công ty CNC; Cùng tham gia phối hợp và hỗ trợ Công ty CNC trong việc phát hành Dịch vụ (vận hành, quảng bá, chăm sóc khách hàng...).".

Báo cáo trạng cũng chỉ rõ tỷ lệ phân chia doanh thu qua các hợp đồng. Thỏa thuận tỷ lệ phân chia doanh thu theo Phụ lục hợp đồng số 01 ngày 01/4/2015: "Nếu doanh thu đến 05 tỷ đồng/tháng, thì CNC hưởng 30%, VTC online hưởng 70%; Nếu doanh thu từ trên 05 tỷ đồng/tháng đến dưới 15 tỷ đồng, thì CNC hưởng 35%, VTC online hưởng 65%; Nếu doanh thu trên 15 tỷ đồng/tháng, thì CNC được hưởng 40%, VTC online hưởng 60% ...", mỗi tháng, 02 kỳ, Công ty CNC và Công ty VTC online ký đối soát để thanh toán hợp đồng.

Phụ lục số 02 được ký vào ngày 15/8/2015 về việc điều chỉnh tỷ lệ phân chia doanh thu, theo đó: "....Tỷ lệ Công ty CNC nhận được/Doanh thu: 30%; Tỷ lệ Công ty VTC online nhận được/Doanh thu: 70%... Thời gian áp dụng tỷ lệ điều chỉnh: Toàn bộ các doanh thu phát sinh từ 0h00 ngày 16/08/2015...".

Ngày 01/9/2015, Phụ lục số 03 bổ sung nội dung hợp đồng và điều chỉnh tỷ lệ phân chia doanh thu, theo đó: ".... Điều chỉnh 1: Công ty VTC online là đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán cho Dịch vụ qua hình thức người chơi nạp tiền từ hệ thống bằng Gocoin. Công ty CNC là đơn vị cung cấp hệ thống và các giải pháp thanh toán khác ngoại trừ các hình thức mà Công ty VTC online đã cung cấp. Điều chỉnh 2: Công ty VTC online có nghĩa vụ thu cước từ người chơi cuối cùng qua hình thức nạp mà Công ty VTC online cung cấp, đồng thời chịu phí liên quan. Điều chỉnh 3: Tỷ lệ phân chia áp dụng như sau: Tỷ lệ Công ty CNC nhận được/Doanh thu từ Gocoin: 15%; Tỷ lệ Công ty VTC online nhận được/Doanh thu từ Gocoin: 85%. Điều chỉnh 4: Thanh toán và xuất hóa đơn: Công ty VTC online xuất hóa đơn và được thanh toán phần doanh thu theo quy định tại Điều 3 - Phụ lục hợp đồng số 01 sau khi khấu trừ đi phần doanh thu Công ty VTC online thu được từ hình thức nạp tiền từ hệ thống bằng thẻ Gocoin của Dịch vụ ....".

Ngày 15/3/2016, Phụ lục hợp đồng số 04 tiếp tục điều chỉnh tỷ lệ phân chia doanh thu, theo đó: "...- Tỷ lệ Công ty CNC nhận được/Doanh thu thẻ: 31%; từ bank, gocoin: 16%; - Tỷ lệ Công ty VTC online nhận được/Doanh thu từ thẻ: 69%; từ bank, gocoin: 84%.... thời gian áp dụng cho toàn bộ doanh thu phát sinh từ 0h00 ngày 16/3/2016".

Các nhà mạng đã hưởng lợi hơn 1.000 tỷ từ game bạc Rikvip

Về phần phân chia với cổng thanh toán của GTS và các nhà mạng, tháng 02/2016, Phạm Tuấn Anh và Nguyễn Quốc Tuấn báo cáo Nguyễn Văn Dương cho kết nối thêm với cổng thanh toán "NetViet" của Công ty cổ phần viễn thông và giải trí số Việt Nam (Công ty GTS) do Lê Thị Lan Thanh điều hành, nhưng không ký hợp đồng. Quá trình đối soát trong giai đoạn Rikvip, Nguyễn Quốc Tuấn yêu cầu Lê Thị Lan Thanh chuyển tiền đối soát vào tài khoản cá nhân của Nguyễn Ngọc Thịnh và của Đoàn Thị Thu Hà. Đây đều là nhân viên của Công ty CNC với tổng số tiền là 266 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra các bị can Nguyễn Ngọc Thịnh và Đoàn Thị Thu Hà cũng đã thừa nhận toàn bộ số tiền mà Công ty GTS chuyển đến là tiền thanh toán đối soát game bài Rikvip. Số tiền này Hà đã rút ra rồi chuyển lại cho Nguyễn Văn Dương. Bị can Nguyễn Văn Dương cũng khẳng định, trong thời gian trên Dương giao cho Nguyễn Quốc Tuấn là người đối soát game bài Rikvip, việc kết nối với ai là do Tuấn thực hiện. Còn việc thanh toán đối soát Dương giao cho Hà là người nhận tiền về sau đó chuyển lại cho Dương.

Quá trình điều tra xác định: Từ năm 2016 đến tháng 8/2017 Công ty GTS của Thanh nêu trên đã ký các hợp đồng thanh toán qua thẻ cào với 03 nhà mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone.

Đường dây đánh bạc nghìn tỷ được CNC, VTC online và các nhà mạng chia chác như thế nào? - Ảnh 2.

3 nhà mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone hưởng lợi hơn 1.000 tỷ từ game bạc

Tổng số tiền các nhà mạng thu được từ các khách hàng sử dụng các dịch vụ liên quan đến cổng thanh toán Công ty GTS của Thanh là 7.128 tỷ đồng, trong đó: 03 nhà mạng được phân chia lợi nhuận là: 1.049 tỷ đồng, nhà `mạng trả cho Công ty GTS: 6.079 tỷ đồng. Cụ thể:

+ Nhà mạng Viettel:

Doanh thu từ khách hàng: 5.985 tỷ đồng

Nhà mạng Viettel hưởng: 883 tỷ đồng

Nhà mạng Viettel trả cho công ty GTS: 5.101 tỷ đồng

+ Nhà mạng Mobiphone:

Doanh thu từ khách hàng: 859 tỷ đồng

Nhà mạng Mobiphone hưởng: 124 tỷ đồng

Nhà mạng Mobiphone trả cho công ty GTS: 734 tỷ đồng

+ Nhà mạng Vinaphone:

Doanh thu từ khách hàng: 283 tỷ đồng

Nhà mạng Vinaphone hưởng: 41 tỷ đồng

Nhà mạng Vinaphone trả cho công ty GTS: 242 tỷ đồng

Trong đó có phần thanh toán mã thẻ cào sử dụng cho game bạc Rikvip và game dịch vụ khác.

Căn cứ vào các tài liệu điều tra thu thập được xác định: Sau khi Công ty GTS và các nhà mạng đối soát, thanh toán, từ ngày 01/9/2016 đến tháng 9/2017, Công ty GTS đã chuyển cho Công ty CNC số tiền là 4.583 tỷ đồng.

Những khoản chia chác nghìn tỷ gây rúng động

Cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền được nạp vào hệ thống game bài Rikvip, Rikvip, 23ZDO, Zon/Pen do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm vận hành là: 9.853 tỷ đồng (số liệu này chưa đầy đủ vì không có dữ liệu từ ngày 24/6/2017 đến ngày kết thúc 29/8/2018),trong đó: Tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ viễn thông, thẻ game là 8.840 tỷ đồng; Tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ Gocoin là 366 tỷ đồng; Tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ Vcard là 460 tỷ đồng; Tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ ATM của các ngân hàng là 186 tỷ đồng). Số tiền doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến được phân chia như sau:

- Các công ty phát hành thẻ được phân chia 1.248 tỷ đồng, gồm:

Viettel là 913 tỷ đồng

Vinaphone là 148 tỷ đồng

Mobifone là 171 tỷ đồng

Công ty VTC online (thẻ Gocoin) là 14 tỷ đồng

Công ty Gate (thẻ Gate) là 236 triệu đồng

Công ty VNG (thẻ Zing) là 163 triệu đồng

Công ty VTC intercom (thẻ Vcoin) là 10 triệu đồng

33 ngân hàng phát hành thẻ ATM là 965 triệu đồng.

- Các công ty trung gian thanh toán được phân chia 252 tỷ đồng, trong đó:

Công ty HomeDirect là 8 tỷ đồng

Công ty VNPT EPAY là 53 tỷ đồng

Công ty Ngân lượng là 481 triệu đồng

Công ty GTS là 188 tỷ đồng

Công ty Napas là 1,5 tỷ đồng

Ngân hàng Vietcombank là 140 triệu đồng

- Các công ty đại lý phân phối thẻ được phân chia 117 tỷ đồng. Trong đó:

Công ty Viettel (đại lý Gocoin, Vcard) 86 tỷ đồng

Công ty Vimo (đại lý Gocoin) 997 tỷ đồng

Công ty MoMo (đại lý Gocoin, Vcard) 685 triệu đồng

Công ty Alego (đại lý Gocoin) 34 triệu đồng

Công ty Lô Gích (đại lý Vcard) 1,1 tỷ đồng

Công ty VTC intecom (đại lý Vcard) 603 triệu đồng

Công ty VNPT EPAY (đại lý Vcard) 27 tỷ đồng

Công ty Vnpay (đại lý Vcard) 90 triệu đồng

Công ty GTS (đại lý Vcard) 50 triệu đồng

Công ty Công nghệ Hà Nội (đại lý Vcard) 3 triệu đồng.

Các công ty và cá nhân vận hành game được phân chia 8.404 tỷ đồng. Trong đó:

Công ty CNC, Giải pháp Việt, Hải Khánh, Long Hải do Nguyễn Văn Dương điều hành là 171 tỷ đồng

Công ty VTC online là 1.503 tỷ đồng

Công ty Nam Việt là 576 tỷ đồng

Cá nhân Nguyễn Văn Dương - CNC là 1.655 tỷ đồng

Nguyễn Quốc Tuấn - CNC là 20 tỷ đồng

Phạm Tuấn Anh - CNC là 18 tỷ đồng

Nguyễn Ngọc Thịnh - CNC là 19 tỷ đồng

Nhóm Phan Sào Nam là 4.438 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành là 3.709 tỷ đồng, thì các cá nhân còn được hưởng lợi là 4.713 tỷ đồng, trong đó: Phan Sào Nam là 1.475 tỷ đồng; Nguyễn Văn Dương- CNC là 1.655 tỷ đồng; Nguyễn Quốc Tuấn - CNC là 20 tỷ đồng; Phạm Tuấn Anh - CNC là 18 tỷ đồng; Nguyễn Ngọc Thịnh - CNC là 19 tỷ đồng; Nhóm Phan Anh Tuấn, Hoàng Thành Trung và Lê Văn Kiên (đang trốn) là 1.574 tỷ đồng.

Đối với Phan Sào Nam, sau khi được hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc giai đoạn Tip.Club, Phan Sào Nam chuyển cho bị can Phan Thu Hương 236 tỷ đồng gửi tiết kiệm và mua bất động sản; chỉ đạo Đỗ Bích Thủy rút 50 tỷ đồng gửi tiết kiệm; đầu tư góp vốn vào các công ty Công ty Vịnh Xanh Hạ Long, Công ty Ấn Tượng Hạ Long, Công ty Bitpro, Công ty Fintech là 92 tỷ đồng; nhờ Nguyễn Thị Hồng Nhung, sinh năm 1979, trú tại Số 88/11 - Đào Duy Anh, phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh gửi tiết kiệm 384 tỷ đồng, gửi Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1977 trú tại Tổ 2, khu 1, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cất giữ 146 tỷ đồng và tiền đô la, vàng trị giá 142 tỷ đồng; nhờ Phí Quang Hưng, sinh năm 1979, trú tại Số 32A, Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh gửi tiết kiệm 101 tỷ đồng và đứng tên mua 11 căn hộ tại khu Đô thị Vila Park - Thành phố Hồ Chí Minh, trị giá hợp đồng là 111 tỷ đồng; chuyển tiền mua 02 căn hộ đứng tên Hoàng Thành Trung, trị giá hợp đồng 27 tỷ đồng và Nam mua 02 căn hộ, trị giá hợp đồng gốc là 12 tỷ đồng; gửi tại Ngân hàng Bank of Singapore số tiền 3,5 triệu USD. Ngoài ra, Nam khai chuyển cho bị can Tuấn cất giữ vàng, đô la trị giá 150 tỷ đồng; chuyển các bị can Trung và Kiên sử dụng, cất giữ vàng, đô la trị giá 530 tỷ đồng. Nhưng do các bị can Phan Anh Tuấn, Hoàng Thành Trung, Lê Văn Kiên đang trốn, nên chưa xác minh làm rõ được.

Đường dây đánh bạc nghìn tỷ được CNC, VTC online và các nhà mạng chia chác như thế nào? - Ảnh 3.

Quang cảnh phiên xử vụ án "đánh bạc nghìn tỷ". Ảnh: TTXVN

Đối với Nguyễn Văn Dương, sau khi được hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc, Nguyễn Văn Dương chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà chuyển tiền nâng khống và hoàn trả các hợp đồng mà Dương đã mượn danh để ký khống với Công ty cổ phần đầu tư UDIC nhằm nâng cao năng lực tài chính đủ điều kiện tham gia đấu thầu dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn, với số tiền 576 tỷ đồng. Ngày 17/4/2017, Dương tách Công ty cổ phần đầu tư UDIC thành hai công ty là: Công ty cổ phần đầu tư UDIC và Công ty cổ phần đầu tư CNC. Sau khi tách công ty Dương bán cổ phần của mình sở hữu tại Công ty cổ phần đầu tư UDIC cho các công ty: Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn, Công ty cổ phần quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân, Công ty cổ phần tập đoàn Hải Thạch, lấy số tiền 270 tỷ đồng, dùng 150 tỷ đồng mở 02 sổ tiết kiệm mang tên Dương, tại ngân hàng Tiên phong bank, mua 02 tầng (tầng 5, tầng 6) tòa nhà ICON4, trị giá hợp đồng là 61 tỷ đồng, số còn lại Dương khai sử dụng cá nhân hết.

Dương khai đã cho Phan Văn Vĩnh 01 đồng hồ Rolex trị giá 7000 USD, 27 tỷ đồng; 1.750.000 USD; 01 chiếc áo sơ mi, 01 lọ thuốc bổ gan; Cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm 700 triệu đồng, 01 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD và cho Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng. Đến nay, Cơ quan điều tra đã chứng minh việc Dương cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm 700 triệu đồng, 01 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD là có thật. Việc cho Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tiền, tài sản thì chưa làm rõ được nên tách ra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước