Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN)
Mất chồng, mất con, đó là những nỗi đau không thể diễn tả được đối với những gia đình bị hại trong vụ án khủng bố ở Đắk Lắk. Khi đối mặt ở phiên tòa xét xử, dù không dễ để tha thứ cho các bị cáo, nhưng gia đình các bị hại vẫn mong muốn những đối tượng có cơ hội được sửa chữa sai lầm của mình.
7 tháng sau vụ khủng bố, nhiều lúc chị Phạm Thị Như Phương (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) vẫn chưa thể chấp nhận được sự thật chồng mình đã mất. Nỗi mất mát không có gì bù đắp nổi, nhưng gia đình chị vẫn sẽ tha thứ cho các đối tượng nếu thực sự hối hận về hành vi phạm tội của mình.
"Khi mất đi một người thân, tôi cũng không biết như thế nào, gọi là mất đi chỗ dựa tinh thần và con tôi thì mất đi một người bố. Những hành vi của họ thật là tàn độc, không ai có thể chấp nhận nổi, nhưng với những người ăn năn hối cải rồi thì thực sự nguyện vọng của tôi và gia đình là họ nhận được sự khoan hồng của Nhà nước", chị Phương bày tỏ.
Nhiều gia đình bị hại khác cũng chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất người thân, đối diện với lời xin lỗi của các bị cáo tại phiên tòa, những gia đình bị hại mong rằng các bị cáo nhận thức rõ và hối cải về những gì đã gây ra.
Bị cáo trả lời phần xét hỏi tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN)
"Tôi cũng muốn vị tha cho những người nhận thức kém, họ bị lừa cho đất, cho tiền thì họ mới thực hiện làm. Những đối tượng đó cũng nên cho họ một cơ hội để họ quay về làm lại cuộc đời, lo cho gia đình", bà Trần Thị Hòa, mẹ bị hại cho biết.
"Những người thực sự nhận thức được vấn đề và họ cảm thấy ăn năn hối cải thực sự thì pháp luật cũng nên có sự khoan hồng cho họ", chị Chu Thị Thìn, vợ bị hại nói.
Nỗi đau để lại sau vụ khủng bố còn là những gia đình, người thân của các bị cáo. Đây cũng là bài học đắt giá đối với các đối tượng.
"Không có gì tả nổi sự đau đớn, giờ một mình nuôi 2 đứa con, không biết cuộc sống như thế nào nữa. Giờ em mong chồng khai thật để nhà nước khoan hồng, có cơ hội làm lại cuộc sống", vợ một bị cáo cho hay.
"Mong rằng trong việc này, họ nhận ra được cái sai của mình để họ cải tạo bản thân thật là tốt để có thể trở về quê hương. Buôn làng vẫn luôn giang tay chào đón họ trở về để làm lại cuộc đời của mình", chị H Liên Niê, Trưởng buôn Ea Liăng, xã Cư Pơng, Krông Buk, Đắk Lắk nói.
Hôm nay (18/1), tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có bản luận tội và đề nghị mức án đối với 100 bị cáo trong vụ án này.
Theo đó, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án tử hình đối với 2 bị cáo cầm đầu về tội "Khủng bố", đề nghị mức án chung thân đối với 11 bị cáo, các bị cáo còn lại bị đề nghị tuyên phạt với mức án từ 12 tháng tù đến 20 năm tù giam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!