Giấy tờ giả, hậu quả thật

Xuân Sơn, Duy Công-Thứ bảy, ngày 21/05/2022 21:46 GMT+7

VTV.vn - Tội phạm làm giấy tờ giả ngày càng tinh vi. Các nhóm đối tượng này mời chào dịch vụ công khai trên mạng xã hội và qua tin nhắn điện thoại.

Triệt phá ổ nhóm chuyên làm giấy tờ giả

Hành vi làm giả giấy tờ của các cơ quan, tổ chức, theo qui định của pháp luật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể phải chịu mức xử phạt lên đến 20 năm tù. Tuy nhiên, tình hình tội phạm làm giấy tờ giả ngày càng tinh vi. Trên các trang mạng xã hội, thậm chí là bằng cả hình thức nhắn tin qua điện thoại, các nhóm đối tượng này mời chào công khai làm các loại văn bằng, giấy tờ giả với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng.

Hàng tá giấy tờ, tài liệu, con dấu giả là tang vật được thu giữ từ một ổ nhóm tội phạm vừa bị công an quận Hà Đông triệt phá. Rất đáng lo ngại khi rất nhiều con dấu, giấy tờ của nhiều cơ quan tổ chức nhà nước như các trường đại học, các ngân hàng, cơ quan đăng kiểm, thậm chí là cả cơ quan công an đã bị làm giả rất tinh vi.

Giấy tờ giả, hậu quả thật - Ảnh 1.

Trước đó, các trinh sát đã phát hiện 2 đối tượng tình nghi và tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của 2 đối tượng này. Tại đây, cơ quan điều tra đã thu giữ hàng trăm mẫu dấu giả cùng phôi sổ đỏ, căn cước công dân, bằng cử nhân và nhiều thiết bị công nghệ hiện đại.

Trước những bằng chứng không thể chối cãi, đối tượng chủ mưu đã phải cúi đầu khai nhận toàn bộ quy trình sản xuất giấy tờ giả, từ công đoạn in phôi, chỉnh sửa nội dung giấy tờ cho đến làm dấu giả bằng máy cắt laser.

Đối tượng đồng phạm trong vai trò giao hàng cũng đã khai nhận phương thức hoạt động rất tinh vi. Giấy tờ được bỏ vào phong thư hoặc đóng gói chuyển qua đường chuyển phát nhanh hoặc gọi điện hẹn trước để giao hàng ở những nơi đông người để tránh bị phát hiện.

Ổ nhóm chuyên làm giấy tờ giả này cũng khai nhận, từ tháng 10/2021 đến nay, các đối tượng đã thu lợi bất chính số tiền lên tới hơn 500 triệu đồng. Các loại văn bằng giấy tờ giả được giao bán công khai trên mạng xã hội và qua tin nhắn điện thoại với giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Còn sổ đỏ giả có giá 2 triệu đồng.

Cơ quan công an nhận định, hành vi của làm giả giấy tờ là đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính.

Quyết liệt đấu tranh với tội phạm làm giấy tờ giả, cơ quan công an cũng cho biết đang tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý nghiêm đối với cả những người sử dụng các loại giấy tờ giả mà các đối tượng này cung cấp.

Trước trình độ giả mạo ngày càng tinh vi, vấn đề đặt ra lúc này là cần phải tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng để có thể xử lý các đối tượng giả mạo giấy tờ, đặc biệt là giữa các tổ chức hành nghề công chứng với cơ quan công an.

Dùng sổ đỏ giả để lừa đảo

Đối tượng Nguyễn Hoàn Anh cách đây ít lâu đã bị các cơ quan chức năng truy tố về 3 tội danh gồm "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và "Đánh bạc".

Giấy tờ giả, hậu quả thật - Ảnh 2.

Theo kết luận điều tra, đối tượng này đã mua 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả với giá 9-10 triệu đồng mỗi tờ, sau đó đem thế chấp cho nhiều người với lãi suất từ 4-5%/tháng và chiếm đoạt hơn 2,1 tỷ đồng.

Điều tra mở rộng, Công an tỉnh Hậu Giang bắt được hai đối tượng làm và bán giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả cho Nguyễn Hoàn Anh, thu giữ nhiều loại giấy tờ giả.

Cũng bỏ ra chưa đến 10 triệu đồng để mua một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối tượng Huỳnh Thanh Tuấn cũng đã dễ dàng chuyển nhượng quyền sử dụng một thửa đất ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) cho một người ở thành phố Cần Thơ với giá 400 triệu đồng. Sự việc chỉ được phát hiện khi người mua mang đến cơ quan chức năng làm thủ tục sang tên.

Cơ quan Công an cũng khuyến cáo, thủ đoạn của đối tượng sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để lừa đảo thường là rao bán hay thế chấp đất và các tài sản liên quan với giá rẻ hơn nhiều so với giá trị thực. Do đó, người dân phải hết sức cảnh giác đừng vì hám lợi mà rơi vào bẫy đối tượng lừa đảo.

Cách nhận biết giấy tờ giả

Trung tá Ngô Ngọc Nam - Phó Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự, Công an quận Hà Đông, Hà Nội lưu ý:

1. Kiểm tra thật kỹ giấy tờ được xuất trình về các điểm sau:

- Cảnh giác khi giấy được cấp đã khá lâu mà các nét mực còn mới; các chi tiết in trên giấy sai lỗi chính tả; có dấu hiệu cố tình bôi bẩn cho khó nhận biết.

- Chữ ký giả thường không tự nhiên, đường nét run, gãy, không sắc gọn…

- Nếu là dấu giả, khoảng cách giữa các vành thường không đều. Ví như hình quốc huy, quốc hiệu nếu bị làm giả thường hay đọng mực, mờ nhòe…

- Việc tẩy xóa trên giấy tờ bằng cơ học thường "lộ" nhược điểm tại nơi tẩy xóa mất độ bóng láng, chữ viết chỗ tẩy xóa có khi bị nhòe, độ đậm, nhạt của chữ cũng khác.

Nếu là tẩy bằng hóa chất thì độ trơn bóng của giấy không tự nhiên, thay đổi màu sắc tại chỗ tẩy xóa; các nét chữ xung quanh vùng tẩy có thể bị mất hoặc thay đổi màu.

2. Tăng cường "tìm hiểu" thông tin bằng cách hỏi đối tượng

Nếu phát hiện có điều bất thường hoặc nghi ngờ, người dân hay công chức tiếp nhận hồ sơ hỏi một số chi tiết trên giấy tờ, văn bản và một số chi tiết có liên quan, đồng thời quan sát thái độ, hành vi của đối tượng.

3. Trang bị "công cụ hỗ trợ" cho công chức tiếp nhận hồ sơ chứng thực như các máy soi, kính lúp để phóng đại quan sát các chi tiết trên giấy tờ.

4. Liên hệ các cơ quan, tổ chức nơi cấp giấy tờ, văn bản để xác minh khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ.

Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng như công chức tiếp nhận hồ sơ còn phải có những kiến thức nhất định để có cơ sở nhận biết thời điểm cấp, đặc điểm riêng của từng loại giấy, hình con dấu, người có thẩm quyền ký giấy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước