Hôm nay (22/10), tại TAND tỉnh Hòa Bình, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Quang Vinh (cựu trưởng Phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hòa Bình).
Phiên phúc thẩm cũng xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Khương Ngọc Chất (cựu Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình) và Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Hiệu phó trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy). 12 bị cáo còn lại đồng tình với bản án sơ thẩm nên không kháng cáo. Thẩm phán Ngô Hồng Phúc được phân công làm Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm.
Theo báo Công an nhân dân điện tử, trong đơn kháng cáo, bị cáo Vinh kêu oan vì cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm không đưa ra được chứng cứ buộc tội bị cáo. Luật sư bào chữa cho bị cáo Vinh đề nghị HĐXX phúc thẩm triệu tập Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đến phiên tòa để làm rõ các vấn đề liên quan đến thân chủ của mình. Bị cáo Chất và bị cáo Tuấn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Khương Ngọc Chất kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ảnh: Báo Giao thông
Thông tin trên Báo Giao thông cho biết, trước đó, ngày 21/5, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên án đối với 15 bị cáo, trong vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia các năm 2017 - 2018 xảy ra tại địa phương này.
Cụ thể, với tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng Khảo thí - Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình) 8 năm tù; Khương Ngọc Chất (cựu cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình) bị tuyên phạt 6 năm tù; bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu Phó phòng Khảo thí) bị phạt 3 năm tù; Nguyễn Khắc Tuấn phải lĩnh 5 năm tù; Nguyễn Thị Thu Loan bị phạt 2 năm tù; Nguyễn Thị Hồng Chung phải nhận 21 tháng tù.
Cũng với tội danh trên, Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Phó Hiệu trưởng Trường Nội trú huyện Lạc Thủy) bị phạt 3 năm tù. Ngoài ra, bị cáo Mạnh Tuấn còn bị tuyên phạt 7 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh, Đỗ Mạnh Tuấn phải chấp hành mức án chung là 10 năm tù.
Ngoài ra, các bị cáo: Bùi Thanh Trà bị phạt 18 tháng tù (hưởng án treo); Nguyễn Đức Hoàng 18 tháng tù (án treo); Lê Thị Hồng 30 tháng tù (án treo), Quách Thanh Phúc 18 tháng tù (án treo), Nguyễn Tân Hưng 18 tháng tù (án treo); Đào Ngọc Thuật 30 tháng tù (án treo); Phùng Văn Thụ 15 tháng tù (án treo) cùng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Riêng bị cáo Hồ Chúc bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội "Đưa hối lộ".
Thông tin trên báo điện tử VTC, theo bản án sơ thẩm, 15 bị cáo vì vụ lợi đã lợi dụng chức vụ can thiệp, nâng điểm cho 65 thí sinh ở kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hoà Bình. Các bị cáo đều có chức vụ, quyền hạn nhất định. Đặc biệt, đa số bị cáo còn lại là thầy cô giáo mẫu mực trong ngành nhưng chỉ vì nể nang bạn bè, người thân và đồng nghiệp, các bị cáo đã vi phạm pháp luật.
Hành vi của các bị cáo gây mất uy tín đối với người dân và mất công bằng với các thí sinh, ảnh hưởng đến toàn ngành giáo dục.
Trong vụ án này, bị cáo Vinh được xác định với vai trò cầm đầu khi chuẩn bị chìa khóa phòng chứa bài thi, bố trí niêm phong cửa phòng dễ bóc. Còn bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí) trực tiếp nâng điểm.
Theo đó, 145 bài thi trắc nghiệm được nâng từ 0,2 đến 9,25 điểm mỗi môn; 20 bài thi Ngữ Văn được nâng từ 1,25 đến 4,5 điểm.
45 thí sinh được nâng điểm trúng tuyển đại học, cao đẳng song bị buộc thôi học; 10 thí sinh vẫn đang theo học vì kết quả chấm thẩm định đủ điểm xét tuyển.
Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng mối quan hệ để cấu kết, can thiệp nhằm nâng điểm thi cho 65 thí sinh. Trong đó 45 thí sinh trúng tuyển đã bị buộc thôi học. Hành vi phạm tội của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy chế thi của Bộ GD&ĐT.
Bên cạnh đó, HĐXX xác định bị cáo Nguyễn Quang Vinh - nguyên Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Hòa Bình đã cấu kết chặt chẽ với các bị cáo khác để thực hiện việc nâng điểm; có vai trò cầm đầu, chủ mưu vụ án.
Đối với Đỗ Mạnh Tuấn, đã thực hiện chỉ đạo của bị cáo Vinh, lôi kéo Nguyễn Khắc Tuấn dùng thủ đoạn can thiệp bài thi để sửa, nâng điểm cho các thí sinh. Ngoài ra, bị cáo Tuấn còn nhận hối lộ 300 triệu để nâng điểm cho 2 thí sinh.
Về bị cáo Khương Ngọc Chất, Tòa án Hòa Bình đánh giá, bị cáo này không thừa nhận tội trong quá trình điều tra và tại tòa. Bị cáo cho rằng chỉ nhờ người xem điểm. Nhưng căn cứ lời khai của Tuấn, giữa Tuấn và Chất đã có sự bàn bạc, trao đổi từ trước khi kỳ thi diễn ra.
HĐXX xác định, trước khi diễn ra kỳ thi, Chất đã gặp Tuấn để nhờ can thiệp, nâng điểm cho một số thí sinh là người thân quen. Tại tòa, lời khai của Mạnh Tuấn phù hợp với lời khai của các bị cáo khác về việc họ đã thấy Chất gặp Mạnh Tuấn. Trong khi đó, lời khai của Chất không đúng sự thật khách quan.
Trong vụ án, bị cáo Chất là đồng phạm có tổ chức, là người xúi giục Mạnh Tuấn nâng điểm. Hành vi của bị cáo rất nghiêm trọng. Quá trình điều tra, Chất không thành khẩn khai báo nhưng quá trình công tác, bị cáo có nhiều thành tích, gia đình có công với cách mạng nên cũng được hưởng một số tình tiết giảm nhẹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!