Các bị cáo tại phiên tòa.
Theo dự kiến, chiều 5/8, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 đồng phạm trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC. Vụ án đã trải qua hai tuần xét xử và nghị án.
Trong gần 10 ngày xét xử trước đó, các nội dung, cáo buộc trong cáo trạng của vụ án đã được làm rõ. Cả 50 bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, ăn năn, hối cải và xin được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Trong 50 bị cáo hầu tòa, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị đánh giá là chủ mưu, cầm đầu và bị đề nghị mức án nặng nhất. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đề nghị mức án cho bị cáo Trịnh Văn Quyết từ 24 - 26 năm tù về 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán", với hậu quả phải chịu trách nhiệm là hơn 4.300 tỷ đồng.
Cùng 2 tội danh trên, các bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) bị đề nghị tổng hình phạt 17 - 19 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết) tổng hình phạt 10 - 12 năm tù; Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó Chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC) tổng hình phạt 11 - 13 năm tù.
VKSND còn đề nghị Tòa xử phạt bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, từ 8 - 9 năm tù; Lê Hải Trà, nguyên ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, từ 6 - 7 năm tù; Trầm Tuấn Vũ, cựu Phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, từ 6 - 7 năm tù và Lê Thị Tuyết Hằng, cựu Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, từ 3 - 4 năm tù cùng về Tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Lê Công Điền, cựu Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bị đề nghị từ 36 - 42 tháng tù và Dương Văn Thanh, cựu Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, bị đề nghị từ 24 - 30 tháng tù cùng về tội Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. Các bị cáo khác bị đề nghị từ 18 tháng tù đến 13 năm tù.
Được nói lời sau cùng, bị cáo Trịnh Văn Quyết giãi bày: "Trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình, bị cáo luôn có những ước mơ, hoài bão là làm sao phát triển nhiều lĩnh vực, như khu nghỉ dưỡng, bất động sản và hàng không. Trên thực tế, bị cáo đã đạt được những thành quả nhất định, được cộng đồng, xã hội đánh giá cao, tạo ra được việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động".
Ân hận vì những hành động của bản thân, bị cáo Quyết nhận ra mình đã làm những điều trái với pháp luật, khiến nhiều người thân trong gia đình, anh em, bạn bè, đồng nghiệp vướng vào vòng lao lý.
"Bị cáo gửi lời xin lỗi đến tất cả anh, chị, em và tha thiết kính mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo bị liên đới, để họ sớm trở về đoàn tụ với gia đình; Đồng thời, gửi lời xin lỗi tới tất cả bị hại. Bị cáo kính mong HĐXX phán xét công tâm, khách quan, nhân văn, thấu tình đạt lý để bị cáo và các bị cáo trong vụ án có cơ hội làm lại cuộc đời", bị cáo Quyết nói lời xin lỗi.
Trước HĐXX, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (em gái bị cáo Quyết) gửi lời xin lỗi đến các bị cáo khác trong vụ án. Vị quá tin tưởng anh trai mình mà bây giờ phải đứng trước tòa là một bị cáo, cùng anh trai, em gái, chồng và nhiều anh em, họ hàng trong gia đình.
Bị cáo Nga mong muốn HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho mình để sớm được trở về chăm sóc bố mẹ già và nuôi 3 con nhỏ. Nga khóc nghẹn nói: ""846 ngày bị tạm giam, không kể những ngày giữ ở cơ quan điều tra, chắc nỗi đau này cả đời bị cáo không thể quên".
Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Quyết) xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho anh trai mình, để ông Quyết có cơ hội làm lại cuộc đời.
"Trước tòa, bị cáo thành thật xin lỗi các anh, chị, em, các cháu và những đồng nghiệp. Mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, có cơ hội được chăm sóc người thân. bị cáo Nga nói.
Khi nói lời sau cùng, bị cáo Lê Thành Vinh (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FLC Faros) thừa nhận mình có những hành vi sai phạm, hối hận vì những việc làm của bản thân. Bị cáo Vinh mong HĐXX xem xét bối cảnh, động cơ, mục đích để đưa ra một mức hình phạt nhẹ nhất, cho bị cáo cơ hội sớm được làm lại cuộc đời.
Bị cáo Đỗ Quang Lâm (nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần FLC Faros) phân trần, từ khi làm việc tại tập đoàn FLC, bị cáo được giao kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch công ty Faros. Vì quá tin tưởng vào lãnh đạo tập đoàn FLC nên đã đặt bút ký vào nghị quyết của HĐQT. Chỉ vì hành vi đó mà bây giờ bị cáo phải đứng trước Toà.
Bị cáo Lâm nói: "Bản thân bị cáo chỉ đam mê làm nghề, chưa bao giờ có mục đích vụ lợi cá nhân. Chỉ khi làm việc với Cơ quan điều tra, bị cáo mới biết mình làm là sai và đã có sự phối hợp tích cực với Cơ quan điều tra. Bị cáo mong HĐXX xem xét, cho bị cáo được hưởng khoan hồng bởi bị cáo là lao động chính trong gia đình, 2 con nhỏ cần được bị cáo chăm sóc".
Bị cáo Nguyễn Bình Phương (nguyên Chủ tịch Công ty Cổ phần FLC Faros) cho biết, đây là một bài học đắt giá đối với bị cáo mà trong suốt cuộc đời này không thể nào quên được. Trong suốt quá trình bị khởi tố, tạm giam, bị cáo vô cùng ân hận vì việc làm của mình đã gây ra thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư. Bị cáo Phương gửi lời xin lỗi các nhà đầu tư, và mong HĐXX cho bị cáo được hưởng mức án khoan hồng để sớm được trở về chăm sóc bố mẹ già và gia đình.
Nói lời sau cùng, bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - HOSE) cho biết, trong bao nhiêu năm làm việc, bị cáo luôn có mục tiêu xây dựng thị trường chứng khoán phát triển vững mạnh, minh bạch. Bị cáo Sinh thừa nhận để xảy ra vi phạm là do lỗi lầm của bản thân và qua vụ án đã rút ra được nhiều bài học.
Với cương vị từng là lãnh đạo Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, bị cáo Sinh kính mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt các bị cáo từng là thuộc cấp của ông mức án nhẹ nhất.
Được nói lời cuối cùng, bị cáo Lê Hải Trà (cựu Phó Tổng Giám đốc HOSE) cho biết, bản thân bị cáo đã có nhận thức đầy đủ và rõ ràng về hành vi, mức độ sai phạm của mình. Bị cáo không bao giờ có mảy may suy nghĩ rằng một ngày nào đó tham gia hay giúp đỡ một hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Bị cáo Trà cho biết, bản thân rất xót xa, hối tiếc khi để xảy ra những vi phạm. Vụ án này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh gây dựng trong hơn 20 năm qua. Bị cáo mong HĐXX mở lượng khoan hồng để có phán quyết thỏa đáng, nhân văn đối với bản thân bị cáo.
Theo cáo buộc, để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, bị cáo Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Doãn Văn Phương, cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Faros (đang bỏ trốn), và Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) tăng khống vốn góp Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán.
Sau đó, cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và sàn HOSE đã dùng thông tin trên, chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS. Từ đây, bị cáo Quyết bán 391 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.620 tỉ đồng.
Ngoài cáo buộc trên, bị cáo Trịnh Văn Quyết còn mượn của nhiều người đứng tên mở 500 tài khoản chứng khoán, nhằm thu lợi từ các cổ phiếu đã niêm yết thuộc hệ sinh thái FLC. Sau đó, bị cáo cùng các đồng phạm thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi 723 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!