Xét xử vụ FLC: Các bị cáo nói lời sau cùng, xin được hưởng khoan hồng

Phùng Anh-Thứ hai, ngày 29/07/2024 20:50 GMT+7

VTV.vn - Chiều 29/7, được nói lời sau cùng, hầu hết các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC đều tỏ ra ăn năn, hối hận, thành khẩn nhận tội và xin HĐXX được hưởng khoan hồng.

Ngày 29/7, trong phần đối đáp quan điểm luận tội với các luật sư bào chữa và bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã điều chỉnh một số nội dung luận tội, đề nghị mức án đối với một số bị cáo cho phù hợp với thực tiễn quá trình tranh luận tại phiên tòa; đồng thời, củng cố thêm chứng cứ, lập luận buộc tội đối với các bị cáo theo quan điểm truy tố trước đó.

Tranh luận với Viện Kiểm sát, luật sư Vũ Đặng Hải Yến bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết, dù mới chỉ xem xét 1 vấn đề nêu trong luận cứ mà đã giảm 30.403 xuống còn hơn 25.000 bị hại, trong khi còn 3 vấn đề khác chưa nêu.

Trong đó, chỉ có gần 40% trong danh sách này là đã được làm việc với cơ quan tố tụng và có đề nghị bồi thường; 60% còn lại là chưa được làm việc với cơ quan tố tụng hoặc đã làm việc nhưng không có yêu cầu bồi thường.

Luật sư Vũ Đặng Hải Yến cho biết, theo danh sách 133 bị hại đã được cơ quan điều tra và VKSND xác định và công bố, chỉ những bị hại đã mua cổ phiếu ban đầu và hiện đang sở hữu ban đầu mới được xác định là có thiệt hại.

Có trường hợp NĐT đã mua cổ phiếu ban đầu và đã bán thì phần cổ phiếu đã bán không được xác định/không được tính là thiệt hại.

Trường hợp NĐT thuộc danh sách, còn dư cổ phiếu ROS thì chỉ phần cổ phiếu thuộc nhóm cổ phiếu ban đầu (mua từ Trịnh Văn Quyết và nhóm 15 cổ đông) mới được xác định là thiệt hại. Phần cổ phiếu ROS còn dư không phải là cổ phiếu ban đầu thì không được xác định là thiệt hại.

Như vậy danh sách 30.403 bị hại (hôm nay Viện kiểm sát đã giảm xuống 25.000) chỉ là danh sách chờ. Vậy làm thế nào để người bị hại lấy được khoản bồi thường khi không có thông tin cụ thể về thiệt hại đối với từng bị hại.

Theo luật sư, việc xác định lại số lượng bị hại và thiệt hại ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội để lượng hình.

Sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghị án. Bị cáo Trịnh Văn Quyết là người đầu tiên trong số 50 bị cáo nói lời sau cùng, bị cáo Quyết giãi bày: “Trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình, bị cáo luôn có những ước mơ, hoài bão là làm sao phát triển nhiều lĩnh vực, như khu nghỉ dưỡng, bất động sản và hàng không. Trên thực tế, bị cáo đã đạt được những thành quả nhất định, được cộng đồng, xã hội đánh giá cao, tạo ra được việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động”.

Ân hận vì những hành động của bản thân, bị cáo Quyết nhận ra mình đã làm những điều trái với pháp luật, khiến cho nhiều người thân trong gia đình, anh em, bạn bè, đồng nghiệp vướng vào vòng lao lý.

Bị cáo Quyết nói lời xin lỗi: "Bị cáo gửi lời xin lỗi đến tất cả anh, chị, em và tha thiết kính mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo bị liên đới, để họ sớm trở về đoàn tụ với gia đình; Đồng thời, gửi lời xin lỗi tới tất cả bị hại. Bị cáo kính mong HĐXX phán xét công tâm, khách quan, nhân văn, thấu tình đạt lý để bị cáo và các bị cáo trong vụ án có cơ hội làm lại cuộc đời".

Trước đó Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị mức án cho bị cáo Trịnh Văn Quyết từ 24- 26 năm tù về 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán", với hậu quả phải chịu trách nhiệm là hơn 4.300 tỷ đồng.

Xét xử vụ FLC: Các bị cáo nói lời sau cùng, xin được hưởng khoan hồng - Ảnh 1.

Trước HĐXX, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (em gái bị cáo Quyết) gửi lời xin lỗi đến các bị cáo khác trong vụ án. Vị quá tin tưởng anh trai mình mà bây giờ phải đứng trước tòa là một bị cáo, cùng anh trai, em gái, chồng và nhiều anh em, họ hàng trong gia đình.

Bị cáo Nga mong muốn HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho mình để sớm được trở về chăm sóc bố mẹ già và nuôi 3 con nhỏ. Nga khóc nghẹn nói: ""846 ngày bị tạm giam, không kể những ngày giữ ở cơ quan điều tra, chắc nỗi đau này cả đời bị cáo không thể quên".

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Quyết) xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho anh trai mình, để ông Quyết có cơ hội làm lại cuộc đời.

"Trước tòa, bị cáo thành thật xin lỗi các anh, chị, em, các cháu và những đồng nghiệp. Mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, có cơ hội được chăm sóc người thân. bị cáo Nga nói.

Xét xử vụ FLC: Các bị cáo nói lời sau cùng, xin được hưởng khoan hồng - Ảnh 2.

Khi nói lời sau cùng, bị cáo Lê Thành Vinh (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FLC Faros) thừa nhận mình có những hành vi sai phạm, hối hận vì những việc làm của bản thân. Bị cáo Vinh mong HĐXX xem xét bối cảnh, động cơ, mục đích để đưa ra một mức hình phạt nhẹ nhất, cho bị cáo cơ hội sớm được làm lại cuộc đời.

Bị cáo Đỗ Quang Lâm (nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần FLC Faros) phân trần, từ khi làm việc tại tập đoàn FLC, bị cáo được giao kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch công ty Faros. Vì quá tin tưởng vào lãnh đạo tập đoàn FLC nên đã đặt bút ký vào nghị quyết của HĐQT. Chỉ vì hành vi đó mà bây giờ bị cáo phải đứng trước Toà.

Bị cáo Lâm nói: "Bản thân bị cáo chỉ đam mê làm nghề, chưa bao giờ có mục đích vụ lợi cá nhân. Chỉ khi làm việc với Cơ quan điều tra, bị cáo mới biết mình làm là sai và đã có sự phối hợp tích cực với Cơ quan điều tra. Bị cáo mong HĐXX xem xét, cho bị cáo được hưởng khoan hồng bởi bị cáo là lao động chính trong gia đình, 2 con nhỏ cần được bị cáo chăm sóc".

Bị cáo Nguyễn Bình Phương (nguyên Chủ tịch Công ty Cổ phần FLC Faros) cho biết, đây là một bài học đắt giá đối với bị cáo mà trong suốt cuộc đời này không thể nào quên được. Trong suốt quá trình bị khởi tố, tạm giam, bị cáo vô cùng ân hận vì việc làm của mình đã gây ra thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư. Bị cáo Phương gửi lời xin lỗi các nhà đầu tư, và mong HĐXX cho bị cáo được hưởng mức án khoan hồng để sớm được trở về chăm sóc bố mẹ già và gia đình.

Nói lời sau cùng, bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - HOSE) cho biết, trong bao nhiêu năm làm việc, bị cáo luôn có mục tiêu xây dựng thị trường chứng khoán phát triển vững mạnh, minh bạch. Bị cáo Sinh thừa nhận để xảy ra vi phạm là do lỗi lầm của bản thân và qua vụ án đã rút ra được nhiều bài học.

Với cương vị từng là lãnh đạo Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo Sinh kính mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt các bị cáo từng là thuộc cấp của ông mức án nhẹ nhất.

Được nói lời cuối cùng, bị cáo Lê Hải Trà (cựu Phó tổng giám đốc HOSE) cho biết, bản thân bị cáo đã có nhận thức đầy đủ và rõ ràng về hành vi, mức độ sai phạm của mình. Bị cáo không bao giờ có mảy may suy nghĩ rằng một ngày nào đó tham gia hay giúp đỡ một hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Bị cáo Trà cho biết, bản thân rất xót xa, hối tiếc khi để xảy ra những vi phạm. Vụ án này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh gây dựng trong hơn 20 năm qua. Bị cáo mong HĐXX mở lượng khoan hồng để có phán quyết thỏa đáng, nhân văn đối với bản thân bị cáo.

Do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 14h ngày 5/8/2024.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước