Khốn khổ vì rơi vào vòng xoáy "tín dụng đen"

VTV Digital-Chủ nhật, ngày 22/10/2023 11:39 GMT+7

VTV.vn - Dù bị cơ quan chức năng liên tục trấn áp nhưng loại tội phạm "tín dụng đen" luôn biến tướng tinh vi, dụ dỗ và lừa gạt nhiều người vướng bẫy.

Làng quê khốn đốn vì vỡ nợ "tín dụng đen"

Tín dụng đen vẫn luôn là nỗi ám ảnh, dù cơ quan chức năng đã có hàng loạt giải pháp ngăn chặn. Bộ Công an cho biết, trong 3 năm qua đã có 2.740 vụ với gần 5.000 đối tượng liên quan đến "tín dụng đen" bị phát hiện, 3.399 bị can đã bị khởi tố điều tra.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý hơn 700 vụ, khởi tố trên 400 vụ và 800 bị can. Tín dụng đen đang âm thầm tàn phá nặng nề tới đời sống của người dân thôn quê. Bởi đa số tín dụng đen tại làng quê đều diễn ra những người quen biết, thậm chí có người còn đi huy động vốn để đem cho vay nặng lãi nhưng sau đó vỡ nợ, kéo theo tình trạng đổ vỡ dây chuyền, làm cho cả làng quê rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Lãi suất 6%/tháng, tương đương 72%/năm, cần vốn làm ăn, một người phụ nữ đã vay tiền trên 3 tỷ đồng của bà Vũ Thị Dung tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Vay rồi trả rồi lại vay, nhưng không may việc làm ăn không suôn sẻ, cộng với "lãi mẹ đẻ lãi con" từng ngày, bà đã không thể trả nợ. Đến nay, sau nhiều năm, số tiền gốc vay chỉ còn vài trăm triệu đồng, nhưng số tiền lãi đã nhân lên gấp hàng chục lần.

"Lãi suất cũng cao. Không có để mà trả, không có nguồn thu gì, bây giờ không còn gì cả, mất hết rồi", người đi vay nặng lãi nói.

Khốn khổ vì rơi vào vòng xoáy tín dụng đen - Ảnh 1.

Không cần thế chấp, chỉ cần tờ giấy như trên là đã có thể vay tiền. Chính sự đơn giản này đã khiến cho "tín dụng đen" có cơ hội phát triển tại các làng quê và gây ra nhiều hệ lụy. Người vay do lãi suất cao đã không thể trả nợ. Còn người cho các đối tượng "tín dụng đen" vay cũng không thể lấy được tiền.

Tích góp cả đời được gần 500 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Hường (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã cho Vũ Thị Dung vay để lấy lãi. Nhưng lãi chưa thấy đâu thì bà Dung đã tuyên bố vỡ nợ. Đúng lúc này bà Hường phát hiện mắc bệnh ung thư. Tiền không thể đòi về, bà đành phải rao bán nhà để lấy tiền chữa bệnh.

Bà Nguyễn Thị Hường cho biết: "Cho bà ấy vay cũng lồi lên được một tí, có 1,5% ấy mà bà ấy cho người ta vay 4,5 % cơ. Sau này mới biết là bà ấy cho vay nặng lãi, cứ nghĩ là bà ấy đi buôn bất động sản thì cho bà ấy vay. Bao nhiêu lần tôi đến nhà tôi khóc lóc đòi cũng không được. Giờ phải bán nhà lấy tiền chữa bệnh".

Không chỉ bà Hường, ở thị trấn Diêm Điền, có đến vài chục hộ gia đình lâm vào vòng xoáy nợ nần khi cầm cố cả nhà cửa để đem tiền cho bà Dung vay mượn, hoặc là vay nặng lãi từ người phụ nữ này, với tổng số tiền lên tới gần 70 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Nhung - Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho hay: "Khuất lần khuất lượt rồi chị ta báo mất thanh khoản, sau này tôi tìm hiểu ra là chị ta lấy tiền của chúng tôi đi cho nặng lãi, lãi suất cao. Lúc tôi đòi thì chị ta còn nghe điện thoại. Sau này nhắn tin thì thưa dần cắt liên lạc rồi chị ấy bỏ nhà đi lúc nào chúng tôi không được biết".

Đại diện Công an huyện Thái Thụy cho biết, gần đây công an huyện đã triệt phá được 5 vụ, khởi tố 5 đối tượng liên quan đến "tín dụng đen". Tuy nhiên, tình trạng cho vay nặng lãi tại các làng quê vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó phát hiện khi diễn ra giữa người quen biết nhau.

Thượng tá Vũ Mạnh Hùng - Phó trưởng Công an huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết: "Những người trót vay lại không chủ động đến cơ quan chức năng để cung cấp. Đến khi cơ quan chức năng bắt xử lý thì người ta mới tìm đến trình diện. Thậm chí có trường hợp công an phải tự đi tìm. Qua việc này rất mong người dân chủ động đến cơ quan công an trình báo để xử lý".

Giờ đây nhiều làng quê đã không còn thanh bình bởi các vụ vỡ nợ "tín dụng đen". Bệnh tật của bà Hường đang ngày càng có diễn biến xấu. Bà không rõ những năm tháng cuối đời, liệu có còn cơ hội để lấy lại số tiền mà bà đã cả đời tích góp hay không.

Nhức nhối tình trạng "tín dụng đen" lãi suất cao

Bên cạnh "tín dụng đen" cho vay nóng thì giờ đây có thêm tín dụng đen công nghệ. Với sự phát triển của công nghệ, hàng loạt các ứng dụng cho vay online mọc lên, khó kiểm soát. Đặc biệt, "tín dụng đen" công nghệ có lãi suất cao hơn nhiều so với loại truyền thống, có thể lên tới hàng nghìn % một năm. Hình thức này khiến cho tín dụng ngày càng phức tạp hơn.

Vay 75 triệu, chỉ sau 1 thời gian nhóm đối tượng bắt phải kí giấy nợ gần 200 triệu. Lãi suất là 15.000 đồng/1triệu/ngày, tương đương với 540%/năm. Khi người vay không trả được thì các đối tượng cho vay đã đe dọa, tạt chất bẩn vào nhà người vay để khủng bố. "Không đòi được nó đe dọa tinh thần, thậm chí cả tính mạng", người vay "tín dụng đen" nói.

Người thanh niên trong một lần cần tiền phải tìm đến nhóm đối tượng "tín dụng đen". Anh vay 175 triệu đồng. Lãi suất 10 ngày đầu là 10.000 đồng/ngày/triệu, sau đó là 5.000 đồng/ngày.

Tiền lãi lớn dần anh không đủ khả năng trả, 2 đối tượng tìm đến nhà và đánh anh. Sau hơn 1 tháng trên mắt anh vẫn còn vết bầm tím.

"Họ dùng điếu vụt vào gáy, tát vào đầu em. Tối về mắt sưng và tím lên", người vay "tín dụng đen" nói.

Khốn khổ vì rơi vào vòng xoáy tín dụng đen - Ảnh 2.

Mới đây, từ thông tin số điện thoại quảng cáo về cho vay nặng lãi trên tờ rơi, Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ được 1 nhóm đối tượng này. Cho vay với lãi suất tới gần 600%/năm, khiến nhiều nạn nhân lâm vào cảnh vỡ nợ.

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an còn phát hiện nhiều vụ việc do nhóm đối tượng người nước ngoài chủ mưu cấu kết với các đối tượng người Việt Nam sử dụng nhiều pháp nhân thương mại "ma" để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất hàng nghìn %/năm.

Vay dễ nhưng lại khó trả, "tín dụng đen" với lãi suất cao lên tới hàng trăm % một năm, đã khiến cho nhiều người vay lâm vào cảnh nợ nần chồng chất khi không trả được đã bị các đối tượng cho vay hành hung, khủng bố, gây mất trật tự xã hội. 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen", nhấn mạnh tới vai trò của các bộ, ngành liên quan trong việc xử lý dứt điểm tình trạng này. Nhưng trước hết, bản thân người vay, cũng cần nâng cao cảnh giác, có biện pháp quản lý tài chính tốt hơn, để tránh rơi vào vòng xoáy "tín dụng đen".

Thống đốc NHNN: Tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen Thống đốc NHNN: Tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen

VTV.vn - Theo Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 26 chương trình tín dụng chính sách đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng chính đáng...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước