"Tín dụng đen" là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, có khi lên đến trên 1.000%/năm, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự vẫn phổ biến tại nhiều địa phương.
Mới đây, Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện và bắt giữ 14 vụ liên quan đến hoạt động này với nhiều thủ đoạn của các nhóm đối tượng.
Cho vay lãi suất "khủng" trên 1.000%/năm
Nơi diễn ra hoạt động cho vay là một ngôi nhà bình thường, không biển hiệu, trong con ngõ sâu của khu dân cư.
Giấy vay tiền viết tay không ghi tiền lãi. Vay tiền nhưng ghi là giấy bán xe. Biên lai chuyển khoản không ghi nội dung để khi bị bắt đối tượng sẽ nói cho vay bình thường. Người vay nhiều lần không cần viết giấy.
Tài liệu thu được tại nhà một đối tượng khác, mức lãi suất trên 1.000%/năm. Người vay khi vay tiền đối tượng cắt lãi luôn từ 10 ngày - 1 tháng. Chỉ sau hơn 1 tháng, từ 38 triệu đồng ban đầu, người vay phải ký giấy vay tiền 108 triệu đồng.
Thực tế nhiều vụ điều tra tín dụng đen rất khó khăn vì không có bằng chứng khi mà người vay đều không đứng ra tố cáo vì sợ bị đe dọa.
Không chỉ cho vay lãi nặng, nhiều đối tượng cho vay còn các hành vi vi phạm pháp luật như cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản...
Rất dễ thấy là điều kiện cho vay của các đường dây "tín dụng đen" rất đơn giản, không cần thế chấp, thủ tục rất đơn giản. Nhưng người dân cần nhớ khi vay rất dễ nhưng khi trả rất... khó, thậm chí tán gia bại sản.
Với mức lãi này, người vay tiền vay số tiền nhỏ từ các đối tượng nhưng sau đó phải trả một số tiền rất lớn nên có những người phải bán hết tài sản để trả nợ hoặc phải bỏ đi khỏi nơi cư trú. Khi người vay không trả được nợ liền bị các đối tượng dùng các thủ đoạn để đòi nợ dẫn đến gây mất an ninh trật tư.
Bất an tín dụng đen làng quê
Camera nhà dân ghi lại vào lúc hơn 12h đêm, một đối tượng tạt chất bẩn là dầu nhớt pha với nhiều loại chất bẩn. Vài ngày sau là mắm tôm.
Theo phản ánh người dân, các nhóm đối tượng còn thường xuyên đến nhà đe dọa.
Theo phản ảnh người dân, nhóm đối tượng chủ yếu hướng vào những người độ tuổi thanh niên và trung niên, nhất là những người ham chơi bài.
Chính quyền xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang cho biết, tình trạng này đã xuất hiện một vài năm trở lại đây. Đã ghi nhận tình trạng một số nhóm đối tượng vừa tổ chức đánh bạc vừa cho người đánh bạc vay nặng lãi.
Nhiều người lo ngại, tình trạng này kéo dài sẽ khiến nhiều thanh niên trong xã vướng vào cờ bạc, nợ nần, thậm chí cả vi phạm pháp luật.
Cùng với các nhóm cho vay theo cách truyền thống, còn có các ứng dụng công nghệ. Nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy không lối thoát.
Các nhóm hoạt động tín dụng đen sử dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua app tiếp tục diễn biến phức tạp.
Nhiều đường dây, ổ nhóm bị lực lượng công an triệt phá với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Triệt xóa nhiều đường dây tín dụng đen
- Cuối tháng 7 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, Công an nhiều tỉnh, thành phố, triệt phá đường dây cho vay nặng lãi online lớn nhất từ trước tới nay trong cả nước.
Nhóm đối tượng người Trung Quốc chủ mưu cấu kết với các đối tượng người Việt Nam sử dụng nhiều pháp nhân thương mại "ma" để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất 2.346,4%/năm.
Nhóm đối tượng đã cho trên 1 triệu người trên toàn quốc vay tiền thông qua ứng dụng. Kết quả xác minh, xác định nhóm đối tượng nêu trên là ổ nhóm tội phạm hoạt động phạm tội có tổ chức, cấu kết, móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng người Trung Quốc chủ mưu cầm đầu.
- Đầu tháng 1, Công an huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa bắ ổ nhóm tín dụng đen cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên tới 500%/năm, thu lời bất chính nhiều tỉ đồng.
Khi người dân vay, những người trên yêu cầu các con nợ thế chấp trích lục nhà hoặc các giấy tờ có giá trị, viết giấy vay tiền, không ghi lãi suất mà cắt lãi trực tiếp từ số tiền bị hại vay. Đến thời hạn, nếu người vay không trả, chúng sẽ đến nhà gây sức ép, buộc người vay phải trả hoặc phải chuyển nhượng tài sản đang thế chấp.
- Mới đây nhất, Công an TP Hồ Chí Minh triệt xóa 27 ứng dụng tín dụng đen. Lãi suất trong các hợp đồng cho vay trực tuyến này thường không vượt quá 20%/năm nhưng người vay phải trả thêm các loại phí như: phí dịch vụ, phí phạt... Do đó, lãi suất thực tế có thể lên đến vài chục %/tháng.
Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có người liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, 6 tháng đầu năm trong toàn quốc, lực lượng công an đã khởi tố 410 vụ cho vay nặng lãi với hơn 700 bị can.
Bộ luật Hình sự quy định: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất không quá 20%/năm được quy định trong Bộ luật dân sự mà có thu lợi bất chính lớn thì tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!