Ông Trần Quí Thanh. (Ảnh: PLO)
Ngày 22/5, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh đã nhận được đơn kháng cáo của ông Trần Quí Thanh (71 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát) và con gái là Trần Uyên Phương (43 tuổi, Phó Giám đốc). Trong đơn kháng cáo, ông Thanh và con gái xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngoài ra, TAND TP Hồ Chí Minh cũng nhận được đơn kháng cáo của bị hại là bà Đặng Thị Kim Oanh, ông Lâm Sơn Hoàng và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị cấp phúc thẩm xem lại bản án sơ thẩm.
Trước đó, xét xử sơ thẩm vào tháng 4/2024, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt ông Trần Quí Thanh 8 năm tù, Trần Uyên Phương 4 năm tù, Trần Ngọc Bích 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng tuyên trả lại 183 tỷ đồng mà bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Thanh) nộp khắc phục hậu quả, do xét thấy ông Thanh và 2 con gái không phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự.
HĐXX đánh giá về bản chất của vụ án, cha con ông Trần Quí Thanh thực hiện giao dịch dân sự về vay tiền đối với 4 bị hại là không trái pháp luật.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc vay tiền và lãi phát sinh, các bị cáo đã thỏa thuận ký kết hợp đồng chuyển nhượng tài sản. Đây là các hợp đồng giả tạo, trái pháp luật và sau khi nhận được các quyền tài sản từ bị hại, các bị cáo nảy sinh ý định chiếm đoạt nên đã dùng thủ đoạn gian đối, đưa ra lý do để từ chối thanh toán làm cho bên vay không thể nhận lại tài sản. Từ đó, các bị cáo đã chiếm đoạt tài sản là phần trị giá tài sản chênh lệch so với số tiền gốc mà bị hại đã vay chưa trả.
Theo bản án sơ thẩm, từ 2019 - 2020, bị cáo Trần Quí Thanh cùng 2 con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích thông qua môi giới đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất 3%/tháng. Tuy nhiên bị cáo Trần Quí Thanh không làm hợp đồng cho vay tiền có cầm cố tài sản mà yêu cầu người vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản và cổ phần của dự án để che giấu bản chất của việc cho vay. Khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi theo thỏa thuận bán lại tài sản ban đầu, các bị cáo đưa ra nhiều lý do để không trả lại.
Cơ quan điều tra xác định, ông Thanh và 2 con gái đã thực hiện tổng cộng 4 vụ chiếm đoạt tài sản, tổng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, ông Thanh chiếm đoạt 2 dự án Minh Thành, Nhơn Thành của bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Oanh); 29 thửa đất được tách từ thửa đất số 452 của ông Nguyễn Văn Chung, 4 thửa đất của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất của ông Nguyễn Huy Đông.
Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên hủy các hợp đồng chuyển nhượng giữa các bị cáo và bị hại, cam kết bán lại cùng các văn bản liên quan... Các bị hại phải trả lại cho ông Thanh số tiền đã nhận, phía ông Thanh phải trả lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cổ phần đã nhận từ bị hại...
Tại phiên sơ thẩm, ông Thanh bày tỏ ăn năn, cho biết đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống và đã xây dựng thành công tập đoàn thương hiệu Việt, có tầm thế giới. Luôn đặt phương châm sống là "sống để lao động, cống hiến" nên dù ngoài 70 tuổi ông vẫn làm việc với mong muốn đóng góp cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Hiện bị cáo sức khỏe yếu, bị tiểu đường nặng và đã có nhiều biến chứng. Vợ ông cũng đang bị bệnh nan y, cần người chăm sóc. Do đó, ông và 2 con gái "tha thiết xin tòa khoan hồng" để sớm trở về tiếp tục công hiến.
Tòa sau đó ghi nhận các bị cáo nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho xã hội, được Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan khác tặng bằng khen; hậu quả vụ án hạn chế do các bị cáo mới chiếm đoạt được tài sản trên giấy tờ (đất vẫn do các bị hại quản lý)... nên giảm nhẹ một phần hình phạt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!