Phạt tù 21 bị cáo trong đường dây “rửa tiền” xuyên quốc gia

PV-Thứ ba, ngày 21/05/2024 06:00 GMT+7

Các bị cáo trong đường dây rửa tiền quốc tế, tiếp tay cho lừa đảo. (Ảnh: PLO)

VTV.vn - Đường dây rửa tiền xuyên quốc gia do các đối tượng người người nước ngoài cầm đầu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giao dịch rút tiền mặt mỗi ngày từ 20 - 150 tỷ đồng.

Trong các ngày từ 15 - 20/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử và tuyên án 21 bị cáo trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", liên quan tới đường dây rửa tiền xuyên quốc gia do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, mỗi ngày giao dịch rút tiền mặt từ 20 - 150 tỷ đồng.

Trong 21 bị cáo, 14 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 7 bị cáo bị truy tố về tội "Rửa tiền".

Hội đồng xét xử tuyên phạt: Mặc Bình Hưng (Tổ trưởng Tổ Tài vụ của Bộ phận 777pay) mức án 18 năm tù; Nguyễn Văn Bằng (Tổ phó), Vũ Xuân Huy, Chắng Hẻn Phấn cùng mức án 16 năm tù. 10 bị cáo còn lại trong nhóm phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bị tuyên phạt từ 12 - 15 năm tù.

Đối với nhóm phạm tội "Rửa tiền", Đinh Văn Hùng bị tuyên phạt 11 năm tù, phạt bổ sung 50 triệu đồng; Lê Trần Việt Anh 10 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 6 - 9 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, Tòa ghi nhận các bị cáo đã nộp hơn 8,3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Còn lại hơn 11,5 tỷ đồng, các bị cáo trong nhóm phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" phải liên đới bồi thường cho bị hại.

Theo Hội đồng xét xử, tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi, khai không biết công ty chủ quản (Jinbian) là tổ chức tội phạm; được trả lương cao, nếu không hoàn thành sẽ bị cưỡng bức, đe dọa...

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xác định, các bị cáo có vai trò đồng phạm trong vụ án vì đã tham gia vào một trong những khâu của hoạt động lừa đảo do các đối tượng cầm đầu tổ chức. Mặc dù các bị cáo đã thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả nhưng hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền là rất nguy hiểm, vi phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, gây thiệt hại với số tiền lớn… do đó cần phải tuyên phạt các mức án nghiêm khắc theo vai trò phạm tội.

Đối với hành vi rửa tiền, 7 bị cáo trong vụ án bị Hội đồng xét xử đánh giá là biết rõ nguồn gốc tiền là bất hợp pháp nhưng vẫn thực hiện hành vi rửa tiền. Hành vi này đã giúp sức cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, biến tiền "bẩn" thành tiền "sạch" với các hình thức hết sức tinh vi.

Các bị cáo thuộc nhóm tội danh lừa đảo làm việc theo chỉ đạo, chia theo từng bộ phận; trong đó, bị cáo Mặc Bình Hưng giữ vai trò cao nhất, đứng thứ hai là bị cáo Nguyễn Văn Bằng. Các bị cáo này làm việc theo hợp đồng lao động, được chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội; tuy nhiên, quá trình điều tra không xác định các bị cáo này làm việc trong môi trường bị cưỡng ép lao động. Do đó, Hội đồng xét xử khẳng định, các bị cáo có vai trò đồng phạm trong đường dây lừa đảo, rửa tiền.

Trước đó, ngày 15/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử bị cáo Mạc Hưng Bình cùng 20 bị cáo khác về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền". Tuy nhiên, phiên tòa đã phải tạm hoãn do một bị cáo đi cấp cứu và vắng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng, cuối tháng 8/2022, chị Nguyễn Thị L (SN 1985, ở Hà Nội) vào mạng xã hội Facebook thì thấy một tài khoản đăng tin tuyển kế toán online, công việc là nhập số liệu cho "Công ty kế toán Anpha" nên đã liên hệ, gửi thông tin để xin việc.

Chị L được nhận vào làm, công việc chính là nhập số liệu những đơn hàng bị thiếu hoặc bị nhập sai số tiền của đơn hàng mà công ty cần sửa.

Mỗi ngày, cộng tác viên sẽ nhận được từ 3 - 10 đơn hàng theo các khung giờ cố định. Sau đó, một số đối tượng đã liên hệ với chị L qua ứng dụng Telegram hướng dẫn, giới thiệu, yêu cầu chị L nạp tiền, thực hiện công việc, nhận tiền hoa hồng…

Theo yêu cầu của đối tượng, chị L đã 2 lần chuyển tiền thực hiện đơn hàng. Lần 1, chị L chuyển 160.000 đồng, nhận lại được 250.000 đồng. Lần 2 chị L chuyển 3 triệu đồng, nhận lại gần 4,5 triệu đồng. Chị L sau đó được thêm vào nhóm nhận nhiệm vụ cao hơn.

Tại nhóm mới, chị L đã chuyển 30 triệu đồng tới một tài khoản theo yêu cầu nhưng không rút tiền ra được. Lúc này, đối tượng đưa ra nhiều lý do khác nhau, yêu cầu chị L tiếp tục chuyển tiền mới rút được số tiền đã chuyển.

Để lấy lại tiền, từ ngày 25/8/2022 đến 30/8/2022, chị L đã 24 lần chuyển tiền đến 15 tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp với tổng số gần 20 tỉ đồng. Sau khi chuyển tiền, chị L không rút ra được nên biết bị lừa. Chị L đã đến Công an Hà Nội trình báo.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị L đã cấu kết, thuê Bộ phận 777pay rửa tiền. Bộ phận 777pay đã cung cấp các tài khoản ngân hàng để các đối tượng lừa đảo hướng dẫn chị L chuyển tiền nhằm chiếm đoạt.

Cơ quan Công an xác định, các tài khoản nhận tiền của chị L do Bộ phận 777pay quản lý, thuộc Công ty Jinbian (có trụ sở tại tòa nhà Starcity, Thủ đô Phnompenh, Vương quốc Campuchia). Đây là một tổ chức tội phạm hoạt động về lĩnh vực rửa tiền cho các app đánh bạc hoặc các đối tượng lừa đảo, như một cổng thanh toán trung gian.

Công ty Jinbian được một nhóm tội phạm thuê phối hợp thực hiện các hoạt động lừa đảo, sau đó giao các bộ phận thực hiện hoạt động rửa tiền.

Công ty này chia làm 8 bộ phận; ngoài các bộ phận phụ trách kỹ thuật, hành chính, các bộ phận khác làm dịch vụ rửa tiền cho các đối tượng tại Trung Quốc, Ấn Độ, Philipines, Indonesia và Việt Nam.

Trong đó, bộ phận 777pay chuyên rửa tiền tại thị trường Việt Nam, do đối tượng Tan Zhi Bao (hay còn gọi là Gu Lang, sinh năm 1986, quốc tịch Trung Quốc) làm quản lý. Bộ phận 777pay đã sử dụng thủ đoạn thành lập cổng trung gian thanh toán mang tên "VNPAY" (mạo danh cổng thanh toán tại Việt Nam), có địa chỉ website là http://mem.777.org để chuyển và nhận tiền nhằm chuyển đổi tiền "bẩn" thành tiền "sạch", không thể truy xuất được nguồn gốc.

Sau khi lừa đảo, chiếm đoạt được gần 20 tỷ đồng của chị L, các đối tượng đã rửa tiền bằng hình thức chuyển lòng vòng qua các tài khoản hoặc mua bán tiền điện tử USDT để xóa nguồn gốc tiền "bẩn".

Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam bị cáo Mạc Bình Hưng và nhiều nhân viên khác thuộc Bộ phận 777pay điều tra hành vi đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của chị L để cho các đồng nghiệp khác rửa tiền giúp nhóm lừa đảo.

Xác minh theo dòng tiền chị L bị chiếm đoạt, cơ quan điều tra xác định bị cáo Phan Văn Minh (SN 1978, ở TP Hồ Chí Minh) thành lập Công ty TNHH Minh Phúc và kinh doanh mua bán ngoại tệ.

Từ năm 2020, Minh bắt đầu nhận "rửa tiền" bằng hình thức nhận tiền Việt Nam đồng qua tài khoản sau đó cho nhân viên đi rút tiền mặt giao cho khách, hoặc chuyển đến các tài khoản ngân hàng do khách chỉ định.

Bị cáo Minh thuê các bị cáo khác mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền, chuyển tiền và rút tiền; thuê người làm kế toán và quản lý các tài khoản ngân hàng và chuyển tiền online.

Theo hồ sơ vụ án, trong vụ án này, Minh đã nhận "rửa" hơn 10 tỷ đồng là số tiền của Bộ phận 777pay chuyển đến. Phan Văn Minh và nhóm đồng phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền.

Trong vụ án này, đối tượng cầm đầu là Tan Zhi Bao cùng một số đối tượng khác đã bỏ trốn và đang bị Cơ quan công an phát lệnh truy nã.

TP Hồ Chí Minh: Triệt phá đường dây 'rửa tiền' tổng giao dịch 13.000 tỷ đồng TP Hồ Chí Minh: Triệt phá đường dây "rửa tiền" tổng giao dịch 13.000 tỷ đồng

VTV.vn - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết vừa triệt xóa đường dây tội phạm có tổ chức, có yếu tố nước ngoài, hoạt động "Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước