Trong thời gian qua, Bộ Công an liên tục phát đi những cảnh báo về thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao nhằm mục đích lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản của các nạn nhân. Mới đây, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã điều tra khám phá vụ án sử dụng công nghệ cao để cưỡng đoạt tài sản của nhiều người bằng chiêu thức tinh vi, một lần nữa cho thấy diễn biến phức tạp của loại tội phạm này hiện nay. Các đối tượng đã dùng chiêu "bẩn" khi tìm cách ghi lại các clip nhạy cảm của nhiều cặp đôi trong nhà nghỉ rồi tống tiền nạn nhân qua mạng Internet.
Sử dụng công nghệ cao để tống tiền nạn nhân bằng clip sex
Sau khi nhận được đơn tố giác tội phạm của chị T, ở thị trấn Gia Khánh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc tố cáo bị một số đối tượng ghi trộm hình ảnh nhạy cảm của chị và người tình trong nhà nghỉ, sau đó nhiều lần đe dọa đưa các hình ảnh lên mạng xã hội để yêu cầu chuyển tiền cho các đối tượng. Vào cuộc điều tra, Phòng PC02 Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ngay lập tức làm rõ 2 đối tượng gồm Trần Văn Ninh (sinh năm 1998) và Nguyễn Thế Duy (sinh năm 2002) đều trú tại Sơn Dương, Tuyên Quang có hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Đối tượng lắp máy quay trộm trong ổ cắm điện.
Thu giữ điện thoại của Ninh, cơ quan công an phát hiện có lưu trữ 79 đoạn video ghi lại cảnh các cặp đôi đang quan hệ tình dục. Quá trình điều tra 2 đối tượng đã khai nhận, khoảng cuối tháng 11/2020, Ninh mua máy quay camera thuê 1 phòng nghỉ tại tầng 3 của một nhà nghỉ tại xã Thanh Vân - Tam Dương để lắp đặt máy quay trộm. Dưới vỏ bọc ổ cắm điện, các cặp đôi không hề biết rằng toàn bộ hình ảnh quan hệ tình dục của mình đã bị camera quay trộm. Sau khi có hình ảnh, 2 đối tượng đợi đến khi các cặp đôi này trả phòng ra về thì sẽ bám theo về nhà để thu thập thông tin cá nhân của các bị hại.
"Cháu bảo với bị hại là: 'Anh ơi, đây có phải là anh đang đi nhà nghỉ không'. Cháu gửi hình ảnh cho bị hại xem. Sau đó, cháu bảo bây giờ đang khó khăn cần vay ít tiền. Bị hại chuyển tiền cho cháu. Cháu hỏi bị hại vay 40 triệu- 50 triệu đồng", đối tượng Trần Văn Ninh khai nhận.
Hiện tại, cơ quan công an xác định, các đối tượng đã cưỡng đoạt được 42 triệu đồng của 3 cặp đôi. Khi các đối tượng đang gọi điện đe dọa những người khác thì bị bắt giữ. Để xóa dấu vết hành vi phạm tội, 2 đối tượng này rất tinh vi, lợi dụng triệt để các tài khoản trên không gian mạng. Khi yêu cầu bị hại chỉ được chuyển tiền vào tài khoản game ảo mà chúng đã đăng ký từ trước. Sau đó mới rút tiền ra để chiếm đoạt.
Theo Đại tá Hà Văn Chí, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, việc tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra. "Do việc quản lý sim điện thoại chưa chặt chẽ, sử dụng sim rác để lập Facebook, Zalo để gửi ảnh, nhắn tin đến thực hiện hành vi phạm tội. Việc truy xét các thông tin rác này là rất khó khăn", Đại tá Chí nói.
Gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, tình hình tội phạm công nghệ cao trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi. Từ năm 2020 đến nay, cơ quan điều tra đã phát hiện khởi tố 33 vụ, bắt giữ 52 đối tượng. Trong đó phổ biến nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đánh bạc online.
Theo Đại tá Hà Văn Chí, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, qua các vụ án đánh bạc online bị triệt phá trong thời gian qua cho thấy, hầu như chỉ phá được một phần của các ổ nhóm tội phạm này, vì hầu hết máy chủ đều đặt ở nước ngoài. Các chân rết đặt máy hoạt động tại một số địa phương trong cả nước, thì đều bị đấu tranh làm rõ.
"Đánh bạc online hậu quả còn lớn hơn nhiều so với đánh bạc truyền thống vì tiền trên các sới bạc online không giới hạn, giao dịch lên đến vài tỷ hoặc hàng chục tỷ đồng. Dù việc đánh bạc đều diễn ra trên thế giới ảo nhưng hậu quả là thật. Nợ nần khiến nhiều gia đình tan nát, vợ con ly tán, để rồi sa ngã vào con đường phạm tội. Rất đau xót", Đại tá Chí chia sẻ.
Do đặc thù địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương có sự phát triển kinh tế - xã hội sôi động trong những năm gần đây nên tội phạm công nghệ cao luôn tiềm ẩn nguy cơ với diễn biến phức tạp. "Đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là một trong những mảng điều tra rất quan trọng, được xác định là trọng tâm, luôn được Công an tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm trong thời điểm hiện tại và thời gian tới"- Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định.
Đại diện Công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng cảnh báo, để ngăn chặn hoạt động của tội phạm công nghệ cao, chỉ có sự vào cuộc của cơ quan công an sẽ là không đủ nếu người dùng mất cảnh giác khi tham gia giao tiếp trên không gian mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!