Lừa bán đồ vật tâm linh
Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với công an huyện Gia Lâm, Hà Nội vừa bắt gọn ổ nhóm hơn chục đối tượng chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng theo hình thức lừa bán các loại bùa ngải, đồ vật tâm linh. 18 máy tính để bàn, máy tính xách tay và 20 điện thoại di động là tang vật của vụ lừa đảo.
Một nạn nhân bị lừa kể: "Cầu duyên cho em là 1 cái vòng và 2 đồng xu gửi về cho em và em chuyển khoản cho các thầy 500.000 đồng. Sau đó các thầy bảo em chuyển khoản thêm 2 triệu đồng để các thầy mua gà với đồ làm lễ".
Trước đó, kiểm tra 2 địa điểm các đối tượng thuê trọ tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa và thị trấn Châu Quì, Gia Lâm, Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tài liệu cùng vật chứng có liên quan. Đó là những đồng tiền xu, bùa ngải, vòng gỗ, nhẫn… được mua với giá chỉ từ 1.000 - 10.000 đồng, nhưng đã được các đối tượng quảng cáo là những vật phẩm tâm linh để lừa bán cho các nạn nhân với giá từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng.
Tại cơ quan công an, đối tượng chủ mưu khai nhận đã học được ngón nghề từ một số đối tượng trở về từ Campuchia. Sau đó mua máy tính và tuyển dụng gần 20 đối tượng, chủ yếu đang là học sinh, sinh viên cùng tham gia ổ nhóm.
Đối tượng lừa đảo khai nhận: "Người em lừa được ít thì vài trăm, nhiều thì vài triệu. Người trong nhóm ai tìm được càng nhiều khách hàng, em cắt lại hoa hồng càng cao".
Các đồ vật có giá trị thấp nhưng được các đối tượng quảng cáo là những vật phẩm tâm linh để lừa bán cho các nạn nhân với giá cao.
Thượng tá Mai Anh Tiến - Trưởng Công an huyện Như Xuân, Thanh Hóa cho biết: "Vẫn là thủ đoạn tự quảng cáo, giới thiệu bản thân là các thầy tử vi, tướng số, có khả năng xử lý về phần "âm". Nhưng trong chuyên án này, các đối tượng buôn thần bán thánh đã tinh vi hơn khi lợi dụng công nghệ cao, để mở rộng qui mô, địa bàn hoạt động, qua đó chúng có thể tiếp cận và dẫn dụ số lượng nạn nhân sập bẫy lên tới cả nghìn người".
Kết quả điều tra bước đầu, từ tháng 9 năm nay, các đối tượng đã lập ra nhiều trang Fanpage như: Se duyên 1, Se duyên 2, Xem bói toán, tình duyên miễn phí, chạy quảng cáo thu hút nhiều người dùng mạng xã hội. Khi gặp khách có nhu cầu, chúng đã yêu cầu kết bạn zalo để tư vấn. Số tiền mà ổ nhóm này chiếm đoạt của các nạn nhân lên tới hàng tỷ đồng.
"Ổ nhóm này hoạt động rất bài bản, có sự phân vai, phân công nhiệm vụ cụ thể. Có đối tượng chuyên thu thập thông tin của bị hại. Có đối tượng lại chuyên vai các thầy tử vi, tướng số để mồi chài hay thậm chí là cả đe dọa để bị hại hoang mang, tin tưởng rồi chuyển tiền theo yêu cầu của chúng", Thượng tá Mai Anh Tiến - Trưởng Công an huyện Như Xuân, Thanh Hóa cho hay.
Cơ quan Công an cũng cho biết, đang tiếp tục củng cố hồ sơ, làm rõ hành vi của từng đối tượng. Đồng thời yêu cầu những đối tượng có liên quan ra trình diện, đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Ai là nạn nhân hãy đến Công an huyện Như Xuân trình báo để làm cơ sở xử lý nghiêm các đối tượng về tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nhóm đối tượng bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Ngăn chặn mê tín dị đoan
Cơ quan công an cũng cảnh báo, người dân cần đề cao cảnh giác trước những trang Fanpage, Hội nhóm quảng cáo, mời chào sử dụng các dịch vụ tâm linh đang xuất hiện tràn lan trên không gian mạng.
Vậy cần phải hiểu thế nào là tín ngưỡng, tôn giáo và thế nào là mê tín dị đoan để qua đó nhận biết và tránh bị sập bẫy lừa của những đối tượng lợi dụng thế giới tâm linh để buôn thần, bán thánh?
Dưới góc nhìn của Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, tín ngưỡng hay còn gọi là "lòng tin" của con người vào một đạo lý nào đó, bao gồm cả chính tín và mê tín. Trong đó, chính tín hướng con người đến những điều chân - thiện - mỹ. Còn mê tín thì ngược lại, chỉ khiến con người mê muội và dẫn dụ con người đến những hành vi tiêu cực.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ cho biết: "Hành nghề mê tín để trục lợi thì gặp họ là chúng ta thấy ngay. Đầu tiên là người đó bao giờ cũng đọc vị người khác. Đọc vị dựa trên những cơ sở mà những người đối diện không hiểu. Ví dụ người ta đọc vị những cái bệnh của con người, đặc biệt là những bệnh thuộc về tâm bệnh. Trong cuộc sống ai cũng có những tâm bệnh như vậy. Tâm bệnh là cái rất khó khám…"
Người dân cần đề cao cảnh giác trước các hình thức mê tín dị đoan.
Pháp luật tôn trọng tự do tín ngưỡng nhưng cũng có những chế tài cụ thể và nghiêm khắc để chống lại hành vi lợi dụng thế giới tâm linh để trục lợi. Theo qui định của pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người dân cần cẩn trọng để không bị mắc lừa.
Thượng tá Nguyễn Xuân Toán - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo: "Tuyệt đối không tin, không nghe, không làm theo những người tự xưng, tự quảng cáo là thầy tử vi, tướng số khi tiếp xúc ngoài đời hoặc qua mạng xã hội. Không chia sẻ hay tham gia các Hội nhóm trên mạng liên quan tới mê tín dị đoan. Khi bản thân hay những người xung quanh có dấu hiệu bị các đối tượng lợi dụng mê tín dị đoan lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an để có biện pháp xử lý kịp thời".
Trục lợi từ mê tín dị đoan VTV.vn - Tại xã Đông Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, tình trạng truyền bá mê tín dị đoan bằng hình thức áp vong gọi hồn vẫn diễn ra phổ biến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!