Các cơ quan chức năng đã kiểm đếm được gần 160.000 đơn vị sản phẩm, phần lớn là hàng lậu tại kho hàng lậu 10.000 m2 ở Lào Cai
Chiều 23/7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức họp báo thông tin kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sáu tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Tại buổi họp báo, các phóng viên đặc biệt quan tâm tới việc xử lý kho hàng lậu hơn 10.000 m2 tại Lào Cai - nơi thường xuyên tổ chức livestream bán hàng trên Facebook. Qua rà soát chứng cứ, từ tháng 10/2018 tới nay, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú và 5 đối tượng trong nhóm là hơn 649 tỷ đồng.
Liên quan tới vụ việc này, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, tới nay, xác định 100% số hàng tại kho này là hàng lậu, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng.
"Hiện nay, lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử, nhiều đối tượng đã kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng nhái thông qua các nền tảng mạng xã hội. Đây là phương thức không mới, nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro cho người tiêu dùng, kể cả việc thu thập trái phép thông tin cá nhân" - ông Nguyễn Kỳ Minh nêu vấn đề.
Tại kho hàng, các đối tượng thường xuyên livestream bán hàng trên Facebook với hàng trăm lần "chốt đơn" mỗi ngày.
Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Kỳ Minh cho biết, hiện vụ việc đang được các lực lượng chức năng phối hợp điều tra, làm rõ.
Đây cũng là lần đầu tiên Cục Quản lý thị trường Lào Cai dồn toàn lực lượng để ra quân khám xét kho chứa hàng, thuê thêm 70 nhân công để làm công tác kiểm đếm hàng hóa, mất 4 ngày để lực lượng chức năng hoàn tất việc khám xét lô hàng.
"Toàn bộ số hàng hóa trong kho sau khi kiểm đếm được chứa trong 34 container. Gần 160.000 đơn vị sản phẩm, phần lớn là hàng lậu, có khoảng hơn 6.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo. Nhiều loại hàng hóa có giấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với các chủ thể quyền để thẩm định, đánh giá.", ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết thêm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên "Tại sao các đối tượng lại lựa chọn Lào Cai là địa điểm đặt kho hàng?", ông Nguyễn Kỳ Minh nêu ra 4 nguyên nhân:
Thứ nhất, tỉnh Lào Cai có hệ thống giao thông thuận lợi như đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, hàng hóa dễ dàng lưu thông từ Lào Cai về Hà Nội và vận chuyển đi khắp các tỉnh trên cả nước.
Thứ hai, vị trí đặt kho hàng chỉ nằm cách cửa khẩu khoảng 2km, các đối tượng có thể dễ dàng tập kết hàng hóa.
Thứ ba, kho hàng trên nằm trên diện tích đất khoảng 3-4 ha, giá thuê kho rẻ, khoảng 200 triệu đồng/tháng cho diện tích kho hơn 10.000m2.
Thứ tư, các đối tượng đã tận dụng kinh doanh hàng hóa bằng cách phát hình ảnh trực tiếp trên nền tảng mạng Internet (Livestream).
Liên quan đến trách nhiệm để xảy ra tình trạng này, ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, hiện các lực lượng đang tiến hành điều tra để làm rõ trách nhiệm cụ thể của các đơn vị, cá nhân liên quan đến vụ việc.
Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 QG Đàm Thanh Thế phát biểu tại buổi họp báo.
Bổ sung thêm thông tin liên quan đến vụ việc, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, Văn phòng Thường trực đã thành lập đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo việc khám xét tại hiện trường, đồng thời có báo cáo Phó Thủ tường Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Văn phòng Thường trực đề xuất xem xét trách nhiệm đối với tập thể cá nhân quản lý lĩnh vực, địa bàn và sẽ thông tin tới các cơ quan báo chí sau khi có kết quả xử lý vụ việc.
Bên cạnh đó, ông Đàm Thanh Thế cũng cho biết, Văn phòng Thường trực BCĐ 389 QG đã phối hợp các cơ quan, đơn vị dự thảo Kế hoạch chuyên đề về chống lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.
"Sắp tới sẽ trình Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 QG ban hành Kế hoạch chuyên đề và các lực lượng sẽ phối hợp xử lý, từng bước đấu tranh chống các hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại" – Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia Đàm Thanh Thế thông tin.
6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 75.264 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm 12 % so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp NSNN 11.291 tỷ 708 triệu đồng (tăng 83 % so với cùng kỳ), khởi tố 1.128 vụ (giảm 14 % so với cùng kỳ), 1.346 đối tượng (giảm 13% so với cùng kỳ). Nhiều đường dây, ổ nhóm đã bị triệt phá, nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu bị bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!