Vụ Vạn Thịnh Phát: Kịch bản "rửa" hàng nghìn tỷ đồng được thực hiện như thế nào?

TTXVN-Thứ tư, ngày 25/09/2024 19:34 GMT+7

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, ngày 25/9/2024. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Ngày 25/9, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các bị cáo đã khai rõ về kịch bản rửa tiền cho Trương Mỹ Lan.

Ngày 25/9, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần đặt câu hỏi của luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo thuộc hành vi phạm tội Rửa tiền.

Bị cáo Nguyễn Phương Anh, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula (Công ty SPG) bị cáo buộc là người trực tiếp theo dõi việc thu chi nguồn tiền từ tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và từ nguồn tiền lừa đảo trái phiếu, vay ngân hàng khác... Nguyễn Phương Anh cũng là người quản lý 3 công ty được sử dụng để giúp sức cho Trương Mỹ Lan chuyển nguồn tiền này ra nước ngoài gồm Blue Pearl, SPG và Easter View.

Từ ngày 7/3/2018 đến ngày 1/8/2022, 3 công ty này đã chuyển tiền đi nước ngoài với tổng số tiền hơn 256 triệu USD (tương đương hơn 5.943 tỷ đồng), trong đó số tiền chiếm đoạt được thông qua hành vi phạm tội "Tham ô tài sản" là hơn 199 triệu USD (hơn 4.607 tỷ đồng).

Tại phiên tòa, Nguyễn Phương Anh khai, trong thời gian làm việc tại Công ty SPG, bị cáo đã thành lập khoảng 600 công ty để chạy dòng tiền, các khoản vay và thực hiện những yêu cầu khác. Việc thành lập các công ty này được Nguyễn Phương Anh nhận chỉ đạo trực tiếp lần lượt từ các cựu Phó Tổng Giám đốc của Ngân hàng SCB gồm Nguyễn Phương Hồng (đã chết) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2019, Trương Khánh Hoàng từ tháng 9/2019 đến tháng 1/2021 và Trần Thị Mỹ Dung từ tháng 1/2021 đến tháng 10/2022. Trong đó, Nguyễn Phương Hồng là người đưa ra hướng dẫn cho bị cáo thực hiện kịch bản chạy dòng tiền như thế nào.

Theo Nguyễn Phương Anh, đối với các khoản nộp vào Ngân hàng SCB thì các cá nhân buộc phải lên ngân hàng để giao dịch nhưng các khoản vay của cá nhân do bị cáo theo dõi là vay "khống". Khi có dòng tiền, ai chỉ đạo thì bị cáo sẽ báo cáo cho lãnh đạo đó và được ghi chú lại. Việc sử dụng dòng tiền này sẽ thực hiện theo những mục đích khác nhau như chi trả khoản vay cũ của Ngân hàng SCB, chi cho cá nhân, chi khoản vay cho ngân hàng khác, trái phiếu… Ngoài ra, Nguyễn Phương Anh khai việc sử dụng dòng tiền theo yêu cầu của bị cáo Trương Mỹ Lan sẽ được lập 1 tệp riêng.

Nguyễn Phương Anh thừa nhận đã thực hiện những hành vi bị quy buộc trong cáo trạng nhưng cho biết khi đó bị cáo không nhận thức được rõ sẽ vi phạm pháp luật ở mức nghiêm trọng như vậy. Trong quá trình làm việc tại Công ty SPG, bị cáo không được hưởng lợi gì, chỉ hưởng lương hàng tháng. Bị cáo nhận thấy hậu quả gây ra quá lớn nên trong quá trình điều tra đã cố gắng phối hợp với gia đình để khắc phục hậu quả.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Kịch bản rửa hàng nghìn tỷ đồng được thực hiện như thế nào? - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.

Trong khi đó, Trần Thị Mỹ Dung phủ nhận việc chỉ đạo Nguyễn Phương Anh, cho biết bị cáo chỉ phối hợp để lên phương án xét dòng tiền và tạo lập hồ sơ vay vốn. Người trực tiếp chỉ đạo và làm việc với Nguyễn Phương Anh là Nguyễn Phương Hồng, bị cáo Dung chỉ làm theo. Khi nào Trương Mỹ Lan cần tiền thì sẽ thông qua Nguyễn Phương Hồng đưa tài khoản Ngân hàng SCB để bị cáo làm phương án vay, sau đó Nguyễn Phương Anh sẽ làm các bước tiếp theo. Đối với các khoản vay "khống" thì bị cáo thực hiện theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, còn các khoản trái phiếu khi tới kỳ thì sẽ được Lan báo cho số tiền cần thanh toán; tổng số tiền vay "khống" là gần 1.400 tỷ đồng.

Đối với việc chuyển tiền ra nước ngoài, theo Trần Thị Mỹ Dung cũng là do Trương Mỹ Lan yêu cầu bị cáo liên hệ với Trịnh Quang Công (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn quản lý ACUMEN) để thực hiện. Dung cho biết, trong thời gian làm việc tại Ngân hàng SCB, bị cáo chỉ hy vọng sẽ giúp ngân hàng phát triển. Bị cáo không nhận thức được những hành vi do bản thân thực hiện lại gây hậu quả nghiêm trọng như vậy, mong Hội đồng Xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Tương tự, bị cáo Trương Khánh Hoàng khai, hành vi rửa tiền được thực hiện theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan thông qua Nguyễn Phương Hồng còn bản thân bị cáo chỉ phụ trách giải ngân các khoản vay của Trương Mỹ Lan. Thời điểm bị cáo Hoàng vào làm việc tại Ngân hàng SCB chỉ kế thừa các khoản vay đã có trước của Nguyễn Phương Hồng. Theo bị cáo Hoàng, trong thời điểm làm việc thì Ngân hàng SCB đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, các khoản vay đến hạn liên tục, việc giải ngân mới là để trả lãi khoản vay cũ trước đã có rồi…, việc làm của bị cáo là thực hiện theo thói quen đã có ở Ngân hàng SCB từ đời lãnh đạo trước.

Bị cáo Bùi Văn Dũng, từng là tài xế riêng của bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, công việc hàng ngày của bị cáo là đưa đón Trương Mỹ Lan đi làm nhưng đồng thời bị cáo cũng được Lan giao nhiệm vụ vận chuyển lượng lớn tiền mặt từ Ngân hàng SCB đến nơi Lan chỉ định. Mỗi khi Lan có nhu cầu vận chuyển tiền, bị cáo Dũng sẽ được bị cáo Trần Thị Hoàng Uyên (cựu thư ký của Trương Mỹ Lan) thông báo đến gặp cựu thủ quỹ của Ngân hàng SCB là bị cáo Trần Thị Thúy Ái để nhận tiền tại khu vực tầng hầm của ngân hàng; tiền đã được đóng sẵn trong các thùng, bị cáo Dũng chỉ việc chuyển lên xe để chở về. Bị cáo Dũng khẳng định bản thân không biết số tiền này bị cáo Lan có được từ hành vi phạm tội tham ô tài sản tiền của Ngân hàng SCB.

Theo cáo trạng, từ tháng 2/2019 đến tháng 9/2022, Bùi Văn Dũng theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan đã nhận và vận chuyển hơn 108.000 tỉ đồng và hơn 14,7 triệu USD. Hành vi của Bùi Văn Dũng đã giúp cho Trương Mỹ Lan che giấu, hợp thức sử dụng số tiền hơn 6.330 tỷ đồng chiếm đoạt được thông qua hành vi phạm tội "Tham ô tài sản" và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bị cáo Chu Lập Cơ, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường thời đại (Việt Nam) - Times Square, chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã mở và sử dụng 3 thẻ thanh toán (Visa, Master) tại Ngân hàng SCB. Trong quá trình sinh sống, lưu trú, đi lại tại Việt Nam và khi đi ra nước ngoài từ ngày 1/1/2018 đến ngày 7/10/2022, Chu Lập Cơ đã chi tiêu hơn 225,5 tỷ đồng bằng các thẻ tín dụng nêu trên; số tiền này có nguồn gốc từ các khoản vay "khống" tại Ngân hàng SCB, các khoản vay đã được tất toán bằng chính các khoản vay "khống" khác, thuộc tội "Tham ô tài sản" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"…

Trả lời tại tòa, Chu Lập Cơ cho biết bản thân sở hữu nhiều thẻ tín dụng từ các ngân hàng chứ không phải chỉ có thẻ của Ngân hàng SCB; các thẻ được bị cáo sử dụng chủ yếu cho mục đích đi lại. Chu Lập Cơ xác nhận việc Trương Mỹ Lan chỉ đạo thuộc cấp chuyển tiền vào thẻ cho bị cáo và bị cáo cũng có sử dụng tiền từ thẻ. Khi bị cáo nhận được cáo trạng đã rất ngạc nhiên vì số tiền mình sử dụng có nguồn gốc bất hợp pháp nên đã nói gia đình khắc phục 19 tỷ đồng.

Tại tòa, Trương Mỹ Lan cho biết bị cáo tôn trọng lời khai của các bị cáo khác trong nhóm bị truy tố về tội "Rửa tiền", nhưng Lan khẳng định trong suốt 10 năm bị cáo chỉ thực hiện các hành vi như đã nêu trong giai đoạn 1 của vụ án, còn cáo buộc chịu trách nhiệm trong vụ rửa tiền với số tiền hơn 445.000 tỷ đồng như cáo trạng giai đoạn 2 đã nêu, bị cáo không liên quan.

Trả lời câu hỏi của Hội đồng Xét xử về việc có nhớ Ngân hàng SCB giải ngân hơn 445.000 tỷ đồng như thế nào, Trương Mỹ Lan nói trong giai đoạn đó, Ngân hàng SCB đã giải ngân nợ xấu trên 300.000 tỷ đồng, còn thiếu tiền giải ngân nợ nên Lan mang thêm tài sản vào thế chấp.

Đối với các khoản tiền nộp vào các thẻ tín dụng, Trương Mỹ Lan khai bản thân thường xuyên sinh sống ở nước ngoài nên chủ yếu sử dụng thẻ tín dụng của các ngân hàng nước ngoài. Thời điểm đó, lãnh đạo Ngân hàng SCB "nài nỉ" bị cáo Lan mở thẻ tín dụng tại Ngân hàng SCB nên Lan mới mở. Khi chi tiêu thẻ tín dụng thì đến hạn thanh toán bị cáo đều sử dụng tiền của bản thân để thanh toán các thẻ này, hoàn toàn không sử dụng tiền của Ngân hàng SCB để thanh toán.

Về số tiền chuyển từ Ngân hàng SCB về nhà riêng hoặc trụ sở của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan chỉ khai bị cáo Bùi Văn Dũng là một tài xế lái xe rất hiền, không tham tiền nên bị cáo tin tưởng giao cho trọng trách chở tiền chứ Dũng không được hưởng lợi gì.

Theo cáo trạng, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 7/10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo thuộc cấp chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền để che giấu, hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.748 tỷ đồng do Lan phạm tội mà có. Số tiền này dùng để chi cho các cá nhân, chuyển tiền ra nước ngoài hoặc thanh toán các khoản chi cá nhân của Trương Mỹ Lan và Chu Lập Cơ...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước