Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Xét hỏi làm rõ quy trình gây thất thoát hơn 2.713 tỷ đồng

PV (Theo TTXVN)-Thứ năm, ngày 22/04/2021 21:33 GMT+7

Bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử. Ảnh: TTXVN.

VTV.vn - Chiều 22/4, phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục với phần xét hỏi.

Chiều 22/4, phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục với phần xét hỏi. Hội đồng xét xử đã đặt nhiều câu hỏi đối với các bị cáo nhằm làm rõ quy trình gây thất thoát hơn 2.713 tỷ đồng.

Được Hội đồng xét xử cho phép ngồi trả lời câu hỏi do sức khỏe yếu, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khai, khi bị cáo được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã thành lập Công ty cổ phần bất động sản Sabeco (Sabeco Land) vào năm 2007. Bị cáo không trực tiếp được giao phụ trách lĩnh vực công nghiệp nhẹ nên chỉ nắm thông tin khi cấp dưới báo cáo hoặc xin ý kiến.

Về công văn số 10194/BCT-CNN ngày 24/10/2012 của Bộ Công Thương với nội dung "xin gia hạn nộp tiền sử dụng đất cho Sabeco; Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Sabeco khẩn trương tìm nhà đầu tư mới có năng lực về tài chính, kinh nghiệm để triển khai dự án có hiệu quả", bị cáo Vũ Huy Hoàng cho biết, công văn đó do Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Nam Hải ký gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo không biết, không được báo cáo và không nhận được bất cứ văn bản nào, kể cả văn bản do Thứ trưởng Lê Nam Hải ký.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng cho biết, đến năm 2013, khi Bộ phận quản lý vốn Nhà nước của Sabeco gửi báo cáo xin ý kiến được thay thế nhà đầu tư mới để đảm bảo khả năng tiếp tục triển khai dự án, bị cáo mới được tiếp cận với các thông tin của dự án. Báo cáo của Sabeco chỉ xin được thay thế nhà đầu tư chứ không có chi tiết về phương án. Bị cáo Hoàng đã ghi thêm vào dự thảo văn bản, yêu cầu việc lựa chọn nhà đầu tư phải báo cáo Bộ xem xét.

Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Xét hỏi làm rõ quy trình gây thất thoát hơn 2.713 tỷ đồng - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên tòa chiều 22/4. Ảnh: TTXVN.

Trình bày về lý do đồng ý chủ trương đổi nhà đầu tư mới, bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng, bị cáo rút kinh nghiệm từ việc triển khai Sabeco Land bị chậm trễ vì nhiều lý do, trong đó có năng lực tài chính của các đối tác, nên bị cáo đã yêu cầu báo cáo để chọn được các nhà đầu tư đủ năng lực, đủ khả năng để Sabeco xây dựng được trụ sở của mình. Hơn nữa, việc xây dựng trụ sở văn phòng sẽ giúp Sabeco và các công ty thành viên tiết kiệm hàng chục tỷ đồng tiền thuê văn phòng mỗi năm.

Về việc thành lập Sabeco Pearl và sau đó là thoái vốn nhà nước tại Sabeco Pearl, bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng, từ khi được thành lập cho đến thời điểm trước khi thoái vốn, toàn bộ quá trình xử lý là do các Vụ chức năng thay mặt Bộ quản lý, theo dõi hoặc Thứ trưởng phụ trách, bị cáo không nắm được quá trình này. Bị cáo không xử lý công việc không phù hợp với chức năng, thẩm quyền của mình. Vì vậy, khi các nhà đầu tư hỏi bị cáo Hoàng về chủ trương thoái vốn nhà nước tại Sabeco Pearl, bị cáo Hoàng đã chuyển cho Vụ Công nghiệp nhẹ để giải quyết theo thẩm quyền.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, từ năm 2012 đến năm 2016, bị cáo Vũ Huy Hoàng đã thực hiện các hành vi chỉ đạo cấp dưới, cụ thể là bị cáo Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương) cùng Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), có văn bản chỉ đạo cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản. Sau khi góp vốn và Sabeco đứng ra thực hiện xong các thủ tục pháp lý cho Dự án, bị cáo Vũ Huy Hoàng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt, mà chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh để hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật. Hành vi của bị cáo Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm ở Bộ Công Thương đã vi phạm quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.713 tỷ đồng.

Trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Phan Chí Dũng khai, khi Sabeco mới thực hiện cổ phần hóa, nguồn vốn khó khăn, không có nguồn tiền để thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng. Từ đề xuất của Sabeco, Bộ Công Thương đã có văn bản xin gia hạn nộp tiền do Thứ trưởng Lê Nam Hải ký.

Bị cáo Dũng cho rằng, việc thành lập Sabeco Land là để huy động vốn bên ngoài vào. Tuy nhiên, thời điểm đó xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát, thị trường bất động sản khó khăn nên các nhà đầu tư cũng không có tiền.

Trước câu hỏi của Hội đồng xét xử về việc "Tại sao khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27/9/2011, yêu cầu các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước không đầu tư ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản… bị cáo vẫn tiếp tục đề xuất cho triển khai dự án bất động sản tại khu đất này?", bị cáo Phan Chí Dũng cho rằng, thời điểm đó nhận thức của bị cáo đây không phải đầu tư ngoài ngành mà làm văn phòng cho chính Sabeco. Bị cáo Phan Chí Dũng cũng thừa nhận việc thành lập Sabeco Pearl là trái với chỉ đạo của Chính phủ. Song, thời điểm đó bị cáo không nhận thức được việc này.

Tại phiên tòa, các bị cáo Lê Quang Minh (nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh), Lâm Nguyên Khôi (nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Trương Văn Út (nguyên Phó Trưởng phòng quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh… đều thừa nhận nội dung cáo trạng nêu và tội danh bị Viện Kiểm sát truy tố. Các bị cáo bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử xem xét việc các bị cáo chỉ thực hiện hành vi theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Các bị cáo đã thiếu sót, chủ quan, tin tưởng vào quy trình xử lý trong thời gian dài đã nhận được sự chấp thuận của một số bộ, ngành và lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Sáng 23/4, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước