Ký ức chiến tranh – nhìn từ hai phía: Góc nhìn khách quan về cuộc kháng chiến chống Mỹ

T.Linh-Thứ bảy, ngày 18/04/2015 12:00 GMT+7

Một cảnh trong ký sự "Ký ức chiến tranh - nhìn từ hai phía"

VTV.vn - Đạo diễn, NSƯT Minh Chuyên cho biết ký sự Ký ức chiến tranh – nhìn từ hai phía thể hiện chân thực, khách quan cuộc chiến tranh thông qua chia sẻ của các cựu binh Việt, Mỹ.

Sau hơn 40 năm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, những người lính Việt Nam ở chiến trường năm xưa đã có dịp trở lại vùng đất mà họ từng chiến đấu, nhớ lại khoảng thời gian chiến đấu họ từng tham gia. Những câu chuyện, cảm xúc của họ đều được thể hiện qua 25 tập ký sự Ký ức chiến tranh – nhìn từ hai phía đang được phát sóng hàng ngày vào 7h30 trên kênh VTV1 và ngày càng lôi cuốn người xem.

Để hiểu rõ hơn về nội dung, ý nghĩa của ký sự, cũng như quá trình thực hiện ký sự, phóng viên VTV News đã có dịp phỏng vấn NSƯT Minh Chuyên – đạo diễn của loạt ký sự này.

Thưa NSƯT Minh Chuyên, là một đạo diễn nổi tiếng với nhiều bộ phim tài liệu về đề tài chiến tranh nhưng đây có phải là lần đầu tiên ông thực hiện thể loại ký sự? Tại sao ông lựa chọn làm thể loại ký sự cho tác phẩm lần này?

- Tôi đã làm nhiều bộ phim tài liệu cũng như các phóng sự nhưng đây đúng là tác phẩm ký sự dài tập đầu tiên của tôi. Ở tác phẩm mới này, thể loại ký sự phù hợp hơn so với thể loại phim tài liệu vì nó thể hiện nội dung một cách chân thực, khách quan hơn, nêu được những vấn đề một cách rõ ràng, hấp dẫn hơn về cuộc chiến giữa Việt Nam và Mỹ. Tôi đã dựa thêm vào nguồn tư liệu của Mỹ và nhiều nguồn tư liệu khác để làm ký sự.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nội dung của ký sự dài 25 tập này?

- Ký sự mô tả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, còn phía bên Mỹ thì mô tả đây là cuộc chiến tranh giữa hai nền tư tưởng – chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Từ đó, nội dung 25 tập phim đề cập về thực tiễn của cuộc chiến tranh. Trong tư liệu đã quay, chúng tôi phỏng vấn hơn 100 cựu binh người Mỹ, gồm các tướng lĩnh, các chuyên gia quân sự, các cố vấn, cùng các tướng lĩnh, các sĩ quan, quân lực của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Bên cạnh đó, tư liệu phỏng vấn còn bao gồm hơn 100 binh lính, tướng lĩnh của quân đội Việt Nam. Tất cả được kết nối thành một câu chuyện dài, chia ra thành từng tập ký sự.

Đạo diễn - NSƯT Minh Chuyên trao đổi với GS - nhà văn Wayne Kalin cùng các bạn của cựu binh này, đều là những người từng tham gia phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam (ảnh: nhân vật cung cấp)

Đạo diễn - NSƯT Minh Chuyên trao đổi với GS - nhà văn Wayne Kalin cùng các bạn của cựu binh này, đều là những người từng tham gia phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Góc nhìn về chiến tranh trong tác phẩm này có gì khác so với những bộ phim trước đó ông từng làm?

- Ký sự Ký ức chiến tranh – nhìn từ hai phía cũng thể hiện về cuộc kháng chiến chống Mỹ hết sức vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Nhưng ở nhiều tác phẩm trước, nội dung mới chỉ đề cập về phía quân giải phóng của ta để nhận định về cuộc chiến. Còn ở ký sự này, nội dung là câu chuyện của cả hai phía Việt Nam và Mỹ để có được góc nhìn của hai bên - góc nhìn của người thắng cuộc và góc nhìn của bên bại trận. Họ đã hành động gì trước kia và họ suy nghĩ gì trong ngày hôm nay. Qua đó, nội dung nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, đặc biệt nhằm tôn vinh ý nghĩa thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Với câu chuyện trải dài qua 25 tập ký sự, đạo diễn và ê-kíp đã mất bao lâu để lên ý tưởng và thực hiện tác phẩm?

- Thời gian chuẩn bị cho ký sự kéo dài hơn 3 năm nhưng quá trình thu thập tư liệu diễn ra từ năm 2000. Đến tháng 6/2014, tôi thực hiện tác phẩm vào thời điểm sang Mỹ tham dự hội thảo quốc tế của Hội nhà văn Mỹ với tư cách là một nhà văn, do tổ chức William Joiner - một tổ chức chống chiến tranh và hoạt động vì hòa bình của Mỹ mời. Lúc đó, tôi cũng có cuốn sách về chiến tranh được dịch và xuất bản tại Mỹ. Ở hội thảo, tôi có cơ hội được gặp gỡ với các cựu chiến binh người Mỹ.

Hội thảo diễn ra 10 ngày nhưng tổ chức quốc tế này cũng dành cho chúng tôi 20 ngày để ghi hình cho ký sự mà tôi đã lên ý tưởng và chuẩn bị từ trước khi sang Mỹ. Thời gian ở bên Mỹ, tôi có nhiều cơ hội phỏng vấn các cựu binh Mỹ. Ban đầu, chúng tôi dự kiến làm 50 tập ký sự nhưng do thời gian không cho phép nên chúng tôi rút xuống 25 tập. Một số tư liệu đã quay đành để sử dụng vào dịp khác.

NSƯT - đạo diễn Minh Chuyên phỏng vấn và ghi hình GS Kevin Bowen - Cựu Giám đốc tổ chức William Joiner ở Boston (Mỹ), cũng từng là một cựu binh tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam (ảnh: nhân vật cung cấp)

NSƯT - đạo diễn Minh Chuyên phỏng vấn và ghi hình GS Kevin Bowen - Cựu Giám đốc tổ chức William Joiner ở Boston (Mỹ), cũng từng là một cựu binh tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trong quá trình thực hiện ký sự, ông cũng như ê-kíp đã gặp những khó khăn gì?

- Khó khăn lớn nhất trong quá trình làm phim chính là bất đồng ngôn ngữ, mặc dù đã có phiên dịch viên. Khó khăn thứ hai là vấn đề di chuyển giữa các bang ở Mỹ, khoảng cách rất xa. Chẳng hạn, có một cảnh ký sự chúng tôi muốn quay ở nhà của một nhân vật ở thành phố Dallas, chúng tôi phải di chuyển từ Boston với quãng đường 500km. Nhưng khi tới nơi, chúng tôi lại không gặp được người đó nên đành phải bỏ cảnh quay nhân vật này trong ký sự.

Mặc dù khó khăn như vậy nhưng trong quá trình làm, chúng tôi cũng gặp được những cựu binh rất tốt. Đặc biệt, có những người lính, sĩ quan Mỹ là nhà văn tận tình giúp đỡ chúng tôi. Họ không ngại lái xe hàng trăm cây số tới tận nơi cho chúng tôi phỏng vấn và ghi hình.

Bản thân ông cũng từng là một người lính. Vậy trong quá trình làm ký sự, trực tiếp lắng nghe chia sẻ của các cựu binh hai phía về cuộc chiến tranh, ông cảm thấy như thế nào?

- Trong quá trình làm ký sự, bên cạnh những cựu binh của quân đội Việt Nam, tôi đã có cơ hội gặp những người lính, những quân sĩ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, thậm chí được gặp cả cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ.

Câu chuyện xúc động của các cựu binh trong quân đội Việt Nam đều cho thấy họ xứng đáng là những người anh hùng. Họ đã chiến đấu đến phút cuối cùng của cuộc chiến với mục tiêu giành độc lập cho đất nước, nhưng đồng thời phải chứng kiến sự hy sinh của nhiều đồng đội.

Còn khi phỏng vấn các cựu binh Mỹ, tôi nhận thấy ở họ có hai hướng tư tưởng. Thứ nhất, tham gia cuộc chiến ở Việt Nam, họ cũng đang phải thực hiện nghĩa vụ công dân Mỹ và ban đầu họ cảm thấy tự hào vì tham gia thực hiện nghĩa vụ của đất nước. Đặc biệt, họ tham gia cuộc chiến vì mang trong mình lý tưởng của tuổi trẻ. Thứ hai, có những người trước khi lên đường, họ không hiểu rằng đó là cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, trong số các binh sĩ Mỹ, có những người đã ngả mũ, trở về tham gia phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Nhiều người sau đó trở thành nhà văn, nhà viết sách để phê phán chiến tranh.

Rõ ràng, giữa hai phía đã tồn tại tư tưởng khác biệt nhau. Vì thế, ký sự nhằm thể hiện nội dung đa chiều về cuộc chiến tranh này.

Thông qua ký sự dài tập này, ông muốn gửi gắm điều gì tới người xem?

- Qua ký sự, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp: Những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu vô cùng dũng cảm. Trong đó, rất nhiều người đã hy sinh để có được đất nước hòa bình như ngày nay. Vì thế, ký sự càng khẳng định rõ hơn giá trị của chiến thắng mà quân và dân Việt Nam đã đạt được.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn muốn người xem lắng nghe ý kiến, chia sẻ của những người lính Mỹ - những người ở bên bại trận. Qua đó, chiến thắng của quân đội Việt Nam càng được tôn vinh, đồng thời người xem có cơ hội hiểu rõ hơn về thực tiễn cuộc chiến tranh, được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Tôi cho rằng, dư luận Việt Nam cũng rất quan tâm đến tiếng nói của những cựu binh Mỹ.

Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ về ký sự!

Ký sự Ký ức chiến tranh – nhìn từ hai phía sẽ chỉ còn 4 tập nữa. Quý vị và các bạn đừng quên tiếp tục đón xem vào 7h30 hàng ngày trên kênh VTV1.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước