Phiên bản 1986
Tạo hình các nhân vật trong Tây du kí 1986 được coi là bản kinh điển. Nhân vật Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới được hóa trang rất kỹ càng. Với nhân vật Tôn Ngộ Không, để tạo ra bộ lông “huyền thoại”, chuyên viên hóa trang phải sử dụng loại vải mắt lưới chuyên dụng, sau đó cắm từng sợi lông được nhuộm màu lên vải để tạo thành những mảng lông khác nhau trên cơ thể nhân vật. Trên người “anh khỉ” có rất nhiều bộ phận lông khác nhau.
Lão Trư với cái bụng phệ vượt mặt được tạo thành từ việc gắn thạch cao trên khuôn cơ thể Mã Đức Hoa, sau đó đổ lớp bọt cao su chuyên dụng lên khuôn thạch cao để tạo nên khuôn da bụng.
Bốn thầy trò Đường Tăng trong Tây du kí bản 1986 hiện lên sinh động và như từ tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân bước ra, tạo cảm giác dễ chịu, vừa mắt cho người xem. Thần thái của những nhân vật trên trong các bản Tây du kí được làm sau này khó có thể vượt qua.
Phiên bản Triết Giang
Ấn tượng đầu tiên về tạo hình các nhân vật trong phiên bản này là Tôn Ngộ Không - Phí Chấn Tường thủ vai trông khá nhẵn nhụi với một “khuôn” lông làm sẵn. Tuy nhiên, điều đó không mang lại tính chân thực cho nhân vật. Bên cạnh đó, Tề thiên đại thánh còn khá bụ bẫm, cử chỉ hành động không linh hoạt, chân thật như Lục Tiểu Linh Đồng.
Tạo hình của Trư Bát Giới cũng bị chê khá nhiều với khuôn bụng như nặn bằng đất dẻo, tỉ lệ bộ phận không đồng đều. Đường Tăng thì sở hữu môt nét đẹp hiền từ nhưng quá hiện đại, được cho là không phù hợp với tiêu chuẩn của một cao tăng.
Tây Du kí 2011
Đây là phiên bản Tây du kí được đầu tư đặc biệt về hiệu ứng hình ảnh với chi phí dành cho phần kĩ xảo lên tới 15 triệu nhân dân tệ (gần 48 tỉ VND). Đạo diễn Trương Kỉ Trung có tham vọng tạo ra sự khác biệt cho các nhân vật để vượt qua cái bóng của Tây du kí 1986. Tuy nhiên, có vẻ như phiên bản này bị chê vì tạo hình bốn thầy trò quá dữ tợn. Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng đều “xấu lạ”, nói cách khác là trông như yêu quái. “Sư phụ” cũng nhận được những lời phàn nàn vì giống một võ tăng hơn là một cao tăng. Khuôn mặt Đường Tăng phiên bản này không toát lên thần thái “sắc sắc không không” của nhà Phật.
Tây du kí TVB 1996
Bốn thầy trò Đường Tăng trong phiên bản Tây du kí đài TVB năm 1996 không có gì khác nhiều so với phiên bản 1986 của đạo diễn Dương Khiết. Mặc dù hóa trang ít cầu kì hơn thể hiện ở nhân vật Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới, tuy nhiên rất hợp với tính giải trí của bộ phim.
Hậu Tây Du kí (2000)
Hậu Tây du kí là phần tiếp sau của bộ phim Tây du kí, sau khi thầy trò Đường Tăng đã thành chính quả và được phong làm Phật. Chính vì thế, tạo hình của Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng có vẻ hiền lành hơn. Sư phụ có khuôn mặt quá đẹp trai, trẻ trung và dường như thiếu độ nghiêm túc và chín chắn của một cao tăng đắc đạo.
Bộ phim Tây Du Ký hiện đang được phát sóng vào 20h00 hàng ngày trên kênh VTV2. Mời quý vị khán giả chú ý đón xem!