PV: Thưa ông, với tư cách là Đại sứ một nước Trung Đông, quan tâm và hiểu biết sâu sắc về tình hình khu vực Trung Đông cũng như khu vực Bắc Phi lân cận, ông đánh giá như thế nào về phong trào Mùa Xuân Arab sau hai năm bùng phát?
Ông Saadi Salama, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Palestine tại Việt Nam, Lào, Campuchia: Theo tôi đánh giá, Mùa Xuân Arab đến nay chưa đem lại những gì nhân dân Arab mơ ước. Phong trào đó đã bị đi lạc hướng, và sự lạc hướng đó là do có sựcan thiệp từ bên ngoài để phục vụ những nước lớn có lợi ích ở Trung Đông. Người ta đã sử dụng mạng xã hội làm ảnh hưởng tới việc tập hợp tất cả những người tham gia vào cuộc biểu tình chống lại các chế độ. Cho nên, thông tin qua mạng có những điều chúng ta cần cảnh giác và nghiên cứu kỹ càng để có thể đánh giá được tình hình.
PV: Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta có thể đồng nhất hóa tất cả các cuộc Cách mạng. Việt Nam chúng tôi cũng đã từng thực hiện các cuộc Cách Mạng giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Và, nhân dân Palestine cũng vậy. Theo ông, để đảm bảo mọi cuộc đổi mới, Cách mạng hướng tới lợi ích thực sự của người dân thì chúng ta phải đảm bảo những yếu tố gì?
Ông Saadi Salama, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Palestine tại Việt Nam, Lào, Campuchia: Tôi nghĩ rằng độc lập dân tộc là một lập trường rất cần, và luôn luôn bảo vệ để thể hiện quyền tự quyết của mình. Tức là, mình là người quyết định sứ mạng của nhân dân mình, của nước mình, chứ không phải là do sự chi phối của các nước bên ngoài.
Đối với Palestine, chúng tôi cũng đã trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Nhiều quốc gia muốn cướp độc lập của chúng tôi. Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian và máu để bảo vệ lập trường của mình.
Và tôi nghĩ điều kiện của mỗi dân tộc phải được xử lý theo bản chất của dân tộc. Ví dụ như, nếu chúng ta nói về Việt Nam, thì Việt Nam áp dụng Chủ nghĩa Xã hội là hoàn toàn phù hợp với đặc trưng của Việt Nam, chứ không phải phù hợp với đặc trưng của một quốc gia khác. Cho nên, chúng tôi nhìn thấy rõ ràng Việt Nam đang nêu cao tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam, nói nhiều đến văn hóa của dân tộc Việt Nam, nói nhiều đến lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Tôi cũng đang theo dõi những nỗ lực của Việt Nam để sửa đổi Hiến pháp. Tôi nghĩ, trong điều kiện Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, bản Dự thảo Hiến Pháp tôi đã được xem và cũng đang được sự chú ý và quan tâm của nhiều người ở Việt Nam và ở nước ngoài. Tôi nghĩ phải để người Việt Nam tự quyết định sứ mạng của họ, vì chỉ có người Việt Nam biết họ cần cái gì và cái gì là phù hợp. Người nước ngoài đang bình luận về tình hình của Việt Nam mà người ta không biết người Việt Nam cần cái gì, tôi nghĩ rằng đó là những bình luận, quan điểm hơi chủ quan, không khách quan. Khách quan thì phải đến đây và nhìn bằng đôi mắt mình những gì Việt Nam đã có và những gì Việt Nam đang cần.
Tôi nghĩ rằng, Việt Nam nên gìn giữ được quyền tự quyết của mình và không tạo bất cứ cơ hội nào để bên ngoài có thể can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việt Nam là một bài học có giá trị không chỉ đối với Việt Nam mà đối với cả thế giới, đối với các dân tộc đang đấu tranh vì độc lập dân tộc. Bất cứ quốc gia nào thực sự có có chủ quyền, có nền độc lập thì luôn phải giữ gìn được nền độc lập đó.
PV: Xin cảm ơn ông.
Mời Quý vị theo dõi cuộc trao đổi với Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Palestine tại Việt Nam, Lào, Campuchia qua Video.