“Khó xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên”

Úy Thương-Thứ bảy, ngày 30/03/2013 19:11 GMT+7

Binh sĩ Triều Tiên ủng hộ nhà lãnh đạo Kim Jong-un về việc chiến tranh với Mỹ, Hàn Quốc. (Ảnh: AP)

 Theo các chuyên gia nghiên cứu về tình hình Triều Tiên, khó có thể xảy ra viễn cảnh nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, bởi các bên liên quan đều phải cân nhắc tới hậu quả khôn lường.

Tất cả những diễn biến căng thẳng dồn dập thời gian qua đã đẩy bầu không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên mức nguy hiểm. Thời gian qua, cụm từ “nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên” được nhắc tới khá nhiều khiến dư luận lo ngại. Nhưng theo các chuyên gia nghiên cứu về tình hình Triều Tiên, khó có thể xảy ra viễn cảnh này bởi các bên liên quan đều phải cân nhắc tới hậu quả khôn lường của nó.

Đây không phải là lần đầu tiên bán đảo Triều Tiên đứng trước những nguy cơ chiến tranh. Năm 1994, Triều Tiên đã từng tuyên bố sẽ biến Seoul thành biển lửa, khiến người dân thành phố này đổ xô đi tích trữ lương thực, chuẩn bị đối phó với tình trạng chiến tranh.

Năm 2002, Triều Tiên cũng cảnh báo sẽ quét sạch những kẻ gây hấn sau khi Tổng thống Mỹ lúc đó là George Bush xếp nước này vào danh sách trục ma quỉ. Nhưng cuối cùng ngòi nổ đã được tháo kíp với những nỗ lực của các bên liên quan. Lần này, các chuyên gia cũng nhận định tình hình cũng sẽ không thể vượt quá tầm kiểm soát.

‘ Nhà lãnh đạo Triều Tiên trong một buổi diễn tập (Ảnh: Reuter)

Ông Yang Moo-jin, chuyên gia về Triều Tiên tại trường Đại học Tổng hợp Kyungnam, cho biết: “Việc Triều Tiên tuyên bố “tình trạng chiến tranh” không có nghĩa là hai bên đang trong tình trạng chiến tranh, mà cần phải hiểu rằng tình hình hiện tại giữa hai miền Triều Tiên đang rất căng thẳng. Trong tình hình đó, có thể hiểu rằng Triều Tiên đang tìm cách thu hút sự quan tâm của người dân trong nước, cũng như kêu gọi chính phủ Hàn Quốc thay đổi các chính sách và tiến hành đối thoại với nhận thức rằng: Tình hình đang rất nghiêm trọng”.

“Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự cường độ thấp hoặc đụng độ vũ trang là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, ở cấp độ chiến lược, tôi cho là sẽ khó có thể xảy ra chiến tranh bởi vì bất kỳ một sai lầm nào về mặt chiến lược cũng có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tổng lực qui mô lớn và sẽ có hại cho tất cả các bên”, ông Trần Việt Thái, Viện Nghiên cứu chiến lược, bộ Ngoại giao Việt Nam, cũng cho biết.

Cũng theo ông Trần Việt Thái, nếu một cuộc chiến tranh tổng lực qui mô lớn xảy ra, sẽ không có kẻ thắng người thua và hậu quả sẽ là vô cùng lớn, trong khi mục tiêu của cả hai bên còn chưa đạt được. Đối với Triều Tiên là bảo vệ chế độ và được công nhận là một cường quốc hạt nhân. Còn với Mỹ và các đồng minh là đảm bảo một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân và nằm trong tầm kiểm soát của họ.

Tuy nhiên, điểm khó cho cả hai bên hiện nay là tình hình đã bị đẩy đi quá xa với những tuyên bố và động thái cứng rắn thể hiện sự cương quyết và sẵn sàng đối đầu của cả hai phía. Vậy đâu sẽ là yếu tố quan trọng để tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên?

“Vai trò của các nước thứ 3 như Nga, Trung Quốc là rất quan trọng. Tôi đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc bởi họ có quan hệ rất đặc biệt với Triều Tiên. Tôi tin rằng nếu cho Trung Quốc có thêm thời gian, có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này”, ông Thái cho biết thêm.

Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng về tuyên bố bước vào tình trạng chiến tranh của Triều Tiên. Nhưng trong tuyên bố gần đây nhất về tình hình bán đảo Triều Tiên, bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhấn mạnh tới việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực này.

Ông Hồng Lỗi, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á có lợi cho tất cả các bên và đó cũng là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta. Chúng tôi hy vọng các bên sẽ làm việc cùng nhau để hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”.

Sau một thời gian tập trung vào quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo, giờ đây chính phủ mới của Trung Quốc đang được kỳ vọng là sẽ thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc tháo ngòi nổ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ đối ngoại được chú trọng của ban lãnh đạo mới của Trung Quốc, khi có tới 3 gương mặt quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc trong đó có Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách ngoại giao Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Vương Nghị đều là những người có kinh nghiệm lâu năm trong việc tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy thế, thiện chí của chính những người trong cuộc và những tính toán đúng đắn về mặt chiến lược của họ mới là yếu tố quyết định cho nền hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước