Tham gia hội nghị có hơn 250 đại biểu đại diện các Bộ Quốc phòng và Ngoại giao của Nga và Mỹ, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), lãnh đạo bộ quốc phòng các nước châu Âu, Cộng đồng các quốc gia độc lập, Liên minh châu Âu (EU), NATO và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể.
Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Koshelev nhấn mạnh, hiện nguy cơ hiển hiện nhất đang đe doạ an ninh châu Âu đó là chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Ông Sergey Koshelev nhận định: “Mối hiểm hoạ đặc biệt nghiêm trọng hiện nay là nguy cơ vũ khí huỷ diệt hàng loạt có thể lọt vào tay bọn khủng bố, điều mà sẽ gây ra những hậu quả không thể lường trước được”.
Nước chủ nhà Nga cũng đưa ra cảnh báo về các nguy cơ bên ngoài khác đó là việc triển khai các hệ thống vũ khí chiến lược mới, âm mưu gây bất ổn ở một số quốc gia, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và sự bùng phát gần đường biên giới Nga, các cuộc xung đột tôn giáo và sắc tộc cũng như hoạt động của các nhóm cực đoan vũ trang quốc tế. Bên cạnh đó là những nguy cơ mang tính đa quốc gia khác như cướp biển, quân sự hóa vũ trụ và hiểm họa trong không gian mạng.
Sau lời khẳng định, Nga muốn tăng cường hợp tác an ninh ở châu Âu, đồng thời không quan tâm tới một cuộc chạy đua vũ trang mới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng các mối quan hệ quân sự - chính trị tại châu Âu đang tụt hậu so với các mối quan hệ khác.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng: “Rõ ràng là mô hình hiện tại của các mối quan hệ về quân sự - chính trị đã tụt hậu nghiêm trọng so với các mối quan hệ đầu tư - thương mại, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, văn hóa, khoa học, du lịch ở châu Âu”.
Vấn đề thiếu hụt lòng tin - tàn dư của Chiến tranh lạnh và vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu cũng như việc NATO liên tục mở rộng sang phía Đông đang tạo ra những trở ngại thực sự và làm ảnh hưởng đến những kết quả tích cực mà Nga và phương Tây đã đạt được trong việc đảm bảo an ninh của châu Âu.