Tham vọng của Pháp trong chiến dịch Mali?

Hương Linh-Thứ hai, ngày 28/01/2013 17:43 GMT+7

Bằng quyết định can thiệp quân sự vào Mali, nước Pháp muốn chứng tỏ vai trò tiên phong trong nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế giúp quốc gia Tây Phi này kiểm soát tình hình và đối phó với nguy cơ lực lượng Hồi giáo cực đoan mở rộng hoạt động. Chiến dịch này sẽ kéo dài vài tuần, vài tháng hay lâu hơn ? Đó là câu hỏi đặt ra với nước Pháp mà chưa có câu trả lời.

2500 quân Pháp đã được triển khai ở chiến trường xa lạ. Mục tiêu trước mắt của chiến dịch quân sự này là nhằm ngăn chặn đà tiến của các tay súng nổi dậy từ các căn cứ ở miền Bắc Mali xuống miền Nam, nơi đang được Chính phủ Mali kiểm soát.

Họ sẽ oanh kích các hậu cứ của nhóm vũ trang tại miền bắc Mali bằng máy bay và trực thăng chiến đấu. Nhưng họ sẽ không hành động một mình. Theo quan điểm của Paris, chính các lực lượng châu Phi - với sự yểm trợ của quân đội Pháp - sẽ phải đảm nhận nhiệm vụ giành lại miền Bắc Mali và trước hết, phải đóng vai trò “tiếp sức” cho sự can thiệp quân sự của Pháp. Bởi vì họ đến đây để trợ giúp, chứ không phải vì những mục đích chiến lược của mình.

Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu: “Pháp nhận trách nhiệm này bởi chúng tôi đã từng hiện diện ở châu Phi. Chúng tôi không đến đây để theo đuổi các mục đích riêng của chúng tôi hay tăng cường ảnh hưởng. Chúng tôi đến Mali là để giúp đỡ. Vì vậy chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chiến dịch can thiệp này là hữu ích”.

Để có một chiến dịch can thiệp hiệu quả, hiện Pháp đang thuyết phục các nước châu Âu và vùng Vịnh đóng góp quân, vũ khí và tài chính. Tuy nhiên, cho đến nay, các nước châu Âu mới chỉ dừng lại ở việc chia sẻ tin tức tình báo, không vận... Hiện mới chỉ có Nigeria đóng góp một đại đội và Togo gửi 250 quân, mặc dù các cam kết của các quốc gia trong khu vực là rất mạnh mẽ.

Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Outtara nhấn mạnh: “Việc giải quyết cuộc khủng hoảng Mali đang được đẩy nhanh, đòi hỏi chúng ta cần phải xem xét lại mục đích trong cuộc chiến chống khủng bố ở Sahara. Chúng ta cần phải tham gia, bởi không có khu vực nào trên thế giới có thể an toàn nếu khu vực Sahara đi lạc lối.”

Nhưng giải quyết xung đột như ở Mali sẽ phải trải qua một quá trình kéo dài, kể cả về phương diện chính trị. Cuộc chinh phục “hoàn toàn và đầy đủ” miền Bắc Mali trên thực tế đồng nghĩa với việc toàn bộ các phần tử khủng bố phải bị tiêu diệt tận gốc, chứ không đơn thuần là bị đẩy sang bên kia các đường biên giới trong khu vực. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng.

Tổng thống Pháp đã bảo đảm rằng chiến dịch sẽ kéo dài “trong thời gian cần thiết để chủ nghĩa khủng bố phải chịu khuất phục tại khu vực này của châu Phi”.

Để đạt được mục tiêu này, Pháp có quá nhiều việc phải làm mà chiến dịch đối phó với quân nổi dậy chỉ là bước đi ban đầu.

Can thiệp vào cuộc nổi dậy ở Mali là một tiến trình lâu dài, chứ không phải là một chiến dịch nhanh chóng như Bộ trưởng quốc phòng Pháp dự định ban đầu. Do đó, nếu không nhanh chóng tìm ra lời giải về chiến lược, Pháp có thể lâm vào tình trạng sa lầy ở Mali - nơi tiếp giáp 7 quốc gia châu Phi, trong đó có nhiều quốc gia có nhiều tài nguyên như Nigieria.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước