Tổng thống Italy Napolitano (phải) bắt tay Thủ tướng Enrico Letta. Ảnh: AFP
Đây là một Chính phủ đặc biệt, ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Đặc biệt vì Thủ tướng là do Tổng thống chỉ định, chứ không phải do Quốc hội bầu lên như thông lệ tại Italy. Đặc biệt, vì Chính phủ bao gồm hai lực lượng chính trị đối đầu trực diện nhau trong nhiều năm qua, đảng Dân chủ trung tả và đảng Nhân dân tự do trung hữu. Nhiệm vụ của Thủ tướng Enrico Letta sẽ không đơn giản, vì sẽ luôn phải tìm cách dung hòa hai xu hướng đối nghịch trong cùng một Chính phủ.
Ông Enrico Letta, Thủ tướng Italy nhấn mạnh: “Tôi tin rằng với danh sách Bộ trưởng này, Chính phủ sẽ không chỉ là một ê-kíp vững mạnh và sẵn sàng đối mặt với những khó khăn trước mắt, mà còn là một Chính phủ có tố chất và có khả năng, một Chính phủ có nhiều Bộ trưởng trẻ tuổi và có nhiều nữ Bộ trưởng nhất từ trước tới nay. Thành phần Chính phủ này sẽ là một trong những nhân tố chính đưa tới thành công”.
Thủ tướng Italy đã tuyên bố, ưu tiên của Chính phủ mới là tạo công ăn việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải cách thể chế, nhất là sửa đổi Luật Bầu cử. Ông Letta cũng cho biết, sẽ tìm cách nới lỏng chính sách khắc khổ kinh tế đang được áp dụng triệt để tại Italy.
Ông Nino Bertolini Meli, Phóng viên báo Il Messaggero đánh giá: “Thực ra, ông Enrico Letta cũng đã từng đồng thuận với các biện pháp thắt lưng buộc bụng, nhưng sau đó ông ấy đã nhận thức được rằng, không thể nào tiếp tục “liều thuốc” quá đắng do Chính phủ của ông Mario Monti đề ra từ năm ngoái”.
Chính phủ mới của Italy tuyên thệ vào trưa 28/4. Nếu giành được tín nhiệm của cả hai Viện trong các cuộc bỏ phiếu đầu tuần sau, Chính phủ của ông Letta sẽ vận hành ngay trong ba ngày nữa.