Trung Quốc điều tra về vụ bê bối sử dụng thịt quá hạn sử dụng

Theo TTXVN-Thứ ba, ngày 05/08/2014 11:45 GMT+7

Công nhân đang làm việc trong nhà máy của công ty OSI, Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Cơ quan giám sát thực phẩm và công nghiệp Trung Quốc, Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Thượng Hải, Cơ quan Công nghiệp và Thương mại Thượng Hải ngày 4/8 đã phối hợp triển khai cuộc điều tra đối với Công ty Shanghai Husi Food Co., Ltd - chi nhánh của tập đoàn OSI Holding Co., Ltd tại Trung Quốc - khởi nguồn của cơn bão bê bối thịt quá hạn sử dụng bị phát hiện hồi cuối tháng trước.

Trong một tuyên bố cùng ngày, tập đoàn OSI Holding Co., Ltd (có trụ sở tại Mỹ) cam kết hợp tác đầy đủ với các nhà chức trách. Tập đoàn này tuyên bố đình chỉ mọi hoạt động của Công ty Shanghai Husi, đồng thời tiến hành điều tra ban quản đốc công ty này ở mọi thời kỳ và các nhà máy của OSI Holding Co., Ltd ở Trung Quốc, đồng thời xây dựng tại Thượng Hải một trung tâm quản lý chất lượng thực phẩm cung cấp cho thị trường châu Á.

Hiện cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 6 quản lý cấp cao thuộc Shanghai Husi Food để thẩm tra. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, công ty trên đã trộn lẫn thịt quá hạn sử dụng với các thực phẩm tươi, in lại nhãn các sản phẩm quá hạn và các hành vi gian lận chất lượng sản phẩm khác. Khách hàng của Shanghai Husi Food gồm: McDonald's, KFC, Pizza Hut, Starbucks, Burger King, 7-Eleven và Papa John's Pizza.

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Nhật Bản và Trung Quốc đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp cấp chuyên viên về vấn đề an toàn thực phẩm vào cuối tháng này, theo đề xuất của Tokyo sau khi xảy ra vụ bê bối thực phẩm nêu trên.

Shanghai Husi cũng là công ty cung cấp các sản phẩm thịt cho chi nhánh của hãng sản xuất đồ ăn nhanh McDonald's tại Nhật Bản (McDonald's Holdings Co.) và cửa hàng tiện ích FamilyMart Co. Hai chuỗi cửa hàng này đã ngừng bán tất cả các sản phẩm sử dụng thịt gà từ Trung Quốc ngay sau khi vụ việc trên bị phát giác.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc vướng vào bê bối an toàn thực phẩm do việc thực thi các quy định lỏng lẻo và tình trạng làm ăn gian dối của các nhà sản xuất. Một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất trước đó là năm 2008, khi hóa chất công nghiệp melamine bị phát hiện trong sữa dành cho trẻ nhỏ, khiến ít nhất 6 trẻ sơ sinh bị thiệt mạng và hơn 300.000 trẻ khác phải nhập viện điều trị. Cũng trong năm này, 10 người ở Nhật Bản đã thiệt mạng sau khi ăn sủi cảo nhiễm thuốc trừ sâu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hồi đầu năm nay, Tập đoàn bán lẻ Walmart của Mỹ cũng tuyên bố siết chặt kiểm soát các nhà cung cấp ở Trung Quốc sau khi hãng này buộc phải thu hồi các sản phẩm thịt lừa nhưng bị phát hiện có trộn lẫn thịt cáo.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước