Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un tuyên bố Triều Tiên đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tổng lực. (Ảnh: Internet)
Sau khi Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ Hiệp định Đình chiến ký năm 1953 với Liên Hợp Quốc, Mỹ và Trung Quốc, Triều Tiên lại tiếp tục có những tuyên bố và động thái cho thấy đã sẵn sàng cho một cuộc chiến trang tổng lực chống Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc và Hàn Quốc khẳng định, Triều Tiên không thể đơn phương hủy bỏ Hiệp định này cũng như kêu gọi Bình Nhưỡng tiếp tục tuân thủ Hiệp định trên.
Phản ứng trước tuyên bố hủy bỏ Hiệp định Đình chiến năm 1953 của Triều Tiên, ngày hôm qua (12/3) Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định, Bình Nhưỡng không thể đơn phương rút khỏi Hiệp định này; đồng thời, cam kết sẽ ngăn chặn mọi hành động của Triều Tiên nhằm đạt được mục đích.
“Theo điều khoản của Hiệp định Đình chiến hay theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, việc đơn phương hủy bỏ hoặc chấm dứt Hiệp định Đình chiến là không được phép”, ông Cho Tai Young - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói.
Trong khi đó tại Triều Tiên, mọi phương tiện truyền thông quốc gia đều đăng tải những thông tin về sự sẵn sàng cho một cuộc tấn công bẳng tên lửa tầm xa, mang theo đầu đạn hạt nhân. Theo dư luận, Triều Tiên đã cho triển khai khoảng 800 tên lửa đạn đạo, trong đó có loại tên lửa tầm xa đặc biêt mà Bình Nhưỡng khẳng định có thể vươn tới một phần nước Mỹ và thủ đô Seoul của Hàn Quốc - nơi chỉ cách biên giới Triều Tiên có 50km.
‘ Triều Tiên liên tục đăng tải hình ảnh cho thấy binh sĩ nước này được tăng cường huấn luyện trong những ngày gần đây.
Tờ Rodong Shimun của Triều Tiên cũng khẳng định, giờ là thời điểm cho trận chiến cuối cùng và không ai có thể dự đoán được điều gì có thể xảy ra ở khu vực này, ám chỉ khả năng Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân tiếp theo và sẽ có các hành động quân sự khác. Trước đó, Đài truyền hình Nhà nước Triều Tiên cũng tiếp tục cho phát đi những hình ảnh hàng nghìn người Triều Tiên tuần hành, thề sẽ chiến đấu chống lại Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên sẽ tiến hành thêm các hành động khiêu khích như thử hạt nhân, hay phóng tên lửa trong thời gian trước mắt. Hiện nay, Hàn Quốc và Mỹ cũng đang tiến hành song song hai cuộc tập trận với qui mô lớn mang tên “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non”.
Trước đó, ngày 11/3, Chính quyền Mỹ đã quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt Ngân hàng Ngoại thương của Triều Tiên - cơ quan ngoại hối trọng yếu của Triều Tiên, do Ngân hàng này đóng vai trò trong việc hậu thuẫn chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, sẽ trừng phạt 3 cá nhân có liên hệ với Ngân hàng này. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Obama, Mỹ sẽ không chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Tuy nhiên, Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng với điều kiện Bình Nhưỡng cần phải có các bước đi ý nghĩa trước, nhằm đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế.
Mời quí vị theo dõi VIDEO tại đây.