Tuyên bố này được Tổ chức y tế thế giới (WHO) đưa ra ngày 1/4, sau khi giới chức y tế Trung Quốc xác nhận 2 ca tử vong tại Thượng Hải, cùng một trường hợp sức khỏe nguy kịch do nhiễm virus H7N9.
Đại diện WHO tại Trung Quốc đã giám sát 88 người có tiếp xúc với các nạn nhân nhiễm cúm H7N9, nhưng không phát hiện ca nhiễm mới nào. Điều này cho phép chuyên gia của WHO tin rằng nguy cơ loại virus H7N9 lây nhiễm từ người sang người là thấp.
Gà sống được bán ở một khu chợ ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) sau khi y tế Trung Quốc xác nhận 2 ca tử vong tại Thượng Hải, cùng một trường hợp sức khỏe nguy kịch do nhiễm virus H7N9 (Ảnh: AP)
Ông Micheal O’Leary, đại diện WHO tại Trung Quốc nói: “Xin được nhắc lại, chúng tôi chưa nhận thấy có bất cứ sự lây lan nào từ người sang người. Tất cả hơn 80 người có tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm H7N9 đều cho kết quả âm tính. Đây là một tín hiệu tốt. Nhưng tất nhiên, chúng ta cần phải theo dõi một cách kỹ lưỡng về nguy cơ lây từ người sang người”.
Hiện giới chức y tế vẫn chưa xác định được cơ chế lây nhiễm. Tuy nhiên, đại diện WHO cho rằng việc virus H7N9 gây ra 2 cái chết tại Thượng Hải vừa qua ít nhất cũng là là dấu hiệu cho thấy chủng virus này đã trở nên nguy hiêm hơn đối với người. Trước đây các chủng virus cúm H7 thường chỉ gây ra tình trạng viêm nhiễm nhẹ cho con người.
Theo các chuyên gia về dịch bệnh, Trung Quốc và Đông Nam Á hiện là một trong những khu vực lý tưởng hàng đầu thế giới cho các loại virus truyền nhiễm lây từ động vật sang người do người dân có tập quán sống gần gia súc và gia cầm.