Vợ chồng chị Hồ Y Thoa, ở phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đều mang bệnh tan máu bẩm sinh thể nhẹ. Năm 2006, anh chị may mắn sinh con gái đầu lòng khỏe mạnh. Thế nhưng, 2 lần mang thai tiếp theo chị phải đình chỉ thai nghén vì bị biến chứng bệnh tan máu bẩm sinh gây ra.
Trước khó khăn này, năm 2017, chị quyết tâm khăn gói ra Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội tìm phương pháp hỗ trợ. Tại đây, chị đã được làm chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm, loại trừ bệnh lý di truyền tan máu bẩm sinh và đã sinh được cậu con trai khỏe mạnh.
Hiện con trai của chị Hồ Y Thoa đã được 19 tháng tuổi, khỏe mạnh và không mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Đặc biệt, anh chị còn lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn của con để đề phòng trường hợp khi cần điều trị bệnh sau này.
Hiện nay, ở nước ta có rất nhiều người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh kết hôn với nhau, điều này đã và đang ảnh hưởng xấu tới chất lượng dân số và sự phát triển giống nòi. Do đó, việc thực hiện thành công kỹ thuật chẩn đoán di truyền trong thụ tinh ống nghiệm, loại trừ bệnh tan máu bẩm sinh đã giúp cho nhiều cặp vợ chồng có cơ hội sinh ra được những đứa con khỏe mạnh và không mang gen bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!