Ông Nguyễn Trần Hiển (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ) và PGS.TS. Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) tại Sự kiện & Bình luận sáng 25/10.
Với chủ đề Chiến dịch tiêm chủng và bài học từ dịch, Sự kiện & Bình luận sáng 25/10 đã có sự tham gia của 2 khách mời – ông Nguyễn Trần Hiển (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ) và PGS.TS. Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế).
Trong cuộc trò chuyện, trước câu hỏi vì sao vào thời điểm này, Việt Nam lại tiến hành một chiến dịch tiêm chủng được cho là lớn nhất từ trước đến nay như vậy? Ông Nguyễn Trần Hiển nói rằng chiến dịch này là mũi tên bắn 2 mục đích.
“Chiến dịch tiêm chủng lần này bao phủ lên toàn bộ trẻ em ở độ tuổi tiêm chủng mà không tính đến tiền sử tiêm chủng trước đây” – Ông Hiển nói – “Chiến dịch tiêm chủng lần này chính là mũi tên bắn hai mục đích”.
“Mục tiêu tứ nhất là tạo miễn dịch chủ động cho những trẻ từ 1-4 tuổi – những trẻ đã tiêm vaccine trước đây mà chưa miễn dịch hoặc chưa tiêm miễn dịch đầy đủ. Tại sao lại là nhóm tuổi 1-4? Vì nhóm tuổi này là nhóm cảm nhiễm cao nhất – cả sởi lẫn rubella”.
“Mục tiêu thứ 2 là tạo miễn dịch rubella – một bệnh lưu hành khá phổ biến ở Việt Nam lâu nay mà chúng ta chưa bao giờ đưa vaccine vào tiêm chủng mở rộng. Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa vaccine rubella vào tiêm chủng mở rộng. Việc này sẽ góp phần khống chế rubella ở trẻ em. Chiến dịch tiêm chủng này sẽ cắt đứt nguồn truyền nhiễm và bảo vệ cho các đối tượng khác như phụ nữ mang thai”.
GS.TS. Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ.
Cũng theo ông Nguyễn Trần Hiển, so với năm 1985 – thời điểm Việt Nam tiến hành chiến dịch chống sởi – cho đến nay thì sau gần 30 năm, dịch bệnh này đã giảm đáng kể: “So với năm 1984, thời điểm trước tiêm chủng, đến năm 2012, đã giảm gần 300 lần. Tuy nhiên, việc dịch sởi bùng phát trở lại đã chứng tỏ chiến lịch tiêm chủng chưa đủ để loại trừ sởi. Nó đòi hỏi cần có chiến dịch bổ sung”.
“Chiến dịch bổ sung là chiến dịch tiêm vaccine nhằm tạo miễn dịch cho những trẻ chưa được tiêm vaccine trước đây hoặc tiêm nhưng chưa đủ mũi, hoặc đã tiêm đủ 2 mũi nhưng vẫn chưa đủ kháng thể” – ông Hiển giải thích thêm - “Tiêm phòng nhắc lại rất quan trọng vì nó giúp cho những trẻ chưa được tiêm chủng hoặc trẻ bị bỏ sót, trẻ được hoãn tiêm hoặc đi vắng trong thời điểm tiêm chủng, hoặc không muốn tiêm chủng thời điểm tiêm chủng hoặc tiêm rồi nhưng không miễn dịch. Và số trẻ bị bỏ sót này có nguy cơ lớn cho cộng đồng”.
PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: “Tổ chức y tế thế giới đang tiến tới loại trừ bệnh sởi và muốn loại trừ bất kỳ bệnh gì thì gần như đều có một nguyên tắc là ngoài tiêm chủng thường xuyên, bao giờ người ta cũng có một chiến dịch và chiến dịch đấy chính là để giải quyết những vấn đề như giáo sư Hiền đã nói, thì chúng ta mới tiến tới loại trừ được sởi”.
Để biết rõ hơn về chiến dịch tiêm chủng cũng như nội dung cuộc tọa đàm với hai khách mời, bạn hãy xem tiếp trong video dưới đây: