Quyền chuyển đổi giới tính: Cần xây dựng luật chuyên ngành

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 28/11/2015 13:24 GMT+7

VTV.vn - Theo TS. Nguyễn Hữu Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, để thực hiện quyền chuyển đổi giới tính trong thực tiễn, Việt Nam cần xây dựng một luật chuyên ngành.

Sáng ngày 24/11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. Cụ thể, điều 37 - Chuyển đổi giới tính của Bộ luật Dân sự mới quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan''.

Điều luật này được xem là bước ngoặt quan trọng đối với việc nhìn nhận của xã hội về giới tính. Từ đây, một cánh cửa pháp lý đã mở ra đối với cộng đồng khoảng 500.000 người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới ở Việt Nam. Vậy ý nghĩa của điều luật này về mặt pháp luật và xã hội là gì? Đây là chủ đề bàn luận trong chương trình Sự kiện & Bình luận với sự tham gia của khách mời TS. Nguyễn Hữu Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế và TS Xã hội học Khuất Thu Hằng.

Trước thông tin Việt Nam công nhận quyền chuyển đổi giới tính, báo giới nước ngoài đã đưa ra nhiều phản hồi tích cực, chẳng hạn như từ Guardian (Anh) cho rằng việc ban hành điều 37 Luật Dân sự sửa đổi đã mở ra một hướng tích cực, phản ánh quan điểm tích cực của người Việt Nam về vấn đề tình dục, giới tính và giới; đài BBC đánh giá Việt Nam đã đi trước Thái Lan về mặt pháp luật để công nhận những người chuyển giới...


S. Nguyễn Hữu Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

S. Nguyễn Hữu Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Theo TS. Nguyễn Hữu Quang, việc quốc tế đưa ra phản hồi tích cực cũng thể hiện thế giới đánh giá cao sự đổi mới, đột phá tư duy về mặt pháp lý, trong cách nhìn nhận con người với tư cách là một chủ thể xã hội.

"Việc nhìn nhận này thể hiện tính chất nhân văn và nhân bản cao" - TS Nguyễn Hữu Quang nói tiếp - "Chúng ta đã nhìn thẳng vào vấn đề liên quan đến quyền của con người. Đó là quyền sống, quyền tự do và quyền nhu cầu hạnh phúc, trong đó có cả quyền được sống thật với giới tính của mình".

Dù cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới ở Việt Nam không lớn nhưng sự kiện quyền chuyển đổi giới tính được thông qua đã tạo ra tiếng vang lớn trong xã hội. Lý giải về nguyên nhân hiện tượng này xảy ra, TS Khuất Thu Hằng cho biết: "Con người hay nhân loại nói chung phân ra giới tính khác nhau. Tất cả hệ thống luật pháp, quy định hành chính, quy định về mặt ứng xử được căn cứ trên giới tính, giới của con người. Có thể nói, giới tính và giới là căn cứ quan trọng để quản lý về mặt hành chính, văn hóa, đạo đức và xã hội nói chung. Thế nên, thay đổi những điều luật liên quan tới giới tính và giới tức là thay đổi những điều căn bản".

"Chúng ta ban hành luật sửa đổi liên quan tới vấn đề chuyển đổi giới tính sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản. Điều đó thể hiện sự thừa nhận của Việt Nam về sự đa dạng liên quan tới giới tính, giới của con người, thừa nhận quyền căn bản của con người được sống đúng với giới tính, với mong muốn và nhân dạng giới của mình. Tôi cho rằng đây là một điều vô cùng quan trọng. Nó sẽ mở ra nhiều sự thay đổi khác trong xã hội", TS Khuất Thu Hằng chia sẻ thêm.

Sau khi được thừa nhận, cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới ở Việt Nam đã thể hiện niềm hạnh phúc vì được công nhận. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hữu Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, để thực hiện quyền chuyển đổi giới tính trong thực tiễn, Việt Nam cần xây dựng một luật chuyên ngành.

"Một điều đáng lưu ý là điều 37 của Luật Dân sự sửa đổi được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta mới thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, còn để thực hiện quyền chuyển đổi giới tính thì cần có một luật chuyên ngành. Khi luật chuyên ngành này được thông qua, quyền của người chuyển đổi giới tính mới chính thức được xác thực và có hiệu lực trong thực tiễn", TS Nguyễn Hữu Quang phân tích.

TS Nguyễn Hữu Quang cho biết, trong chương trình xây dựng Luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Luật về chuyển đổi giới tính sẽ được đưa ra xem xét thông qua tại Quốc hội. Dự kiến, đến năm 2018 hoặc 2019, Luật này mới có hiệu lực nếu được quốc hội thông qua.

Để tìm hiểu thêm vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện & Bình luận qua video dưới đây:

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước