5 năm chịu đựng cảm giác nuốt nghẹn, khó thở vì khối bướu cổ

Tuấn Bảo, icon
08:32 ngày 05/07/2019

VTV.vn - Phát hiện bướu cổ cách đây 5 năm, bệnh nhân P.T.H. (62 tuổi, Trú tại Hà Tĩnh) đã đi khám, uống thuốc nam nhưng không khỏi, ngược lại khối bướu ngày một phát triển.

Do không thể chịu được cảm giác khó chịu của bướu gây ra, người bệnh mới quyết định đến Bệnh viện Quốc tế Vinh (Nghệ An) để khám bệnh. Sau khi được thăm khám, thực hiện siêu âm và định lượng hormone tuyến giáp, người bệnh được chẩn đoán: bướu giáp đa nhân - nang hỗn hợp và được chỉ định mổ cắt bỏ khối u bướu.

Tiến hành phẫu thuật, với đường mổ 3cm, các bác sĩ đã cắt bán phần tuyến giáp, lấy toàn bộ bướu nhân 2 thùy với kích thước lớn nhất lên đến 12,5cm chiều dài và 6cm chiều ngang cho mỗi thùy. Đồng thời, bảo tồn tối đa mô giáp lành cho người bệnh, tránh phải dùng thuốc hormone thay thế sau mổ.

Theo các bác sĩ, bướu giáp đa nhân được hình thành do sự tăng sản của các đơn vị nang tuyến giáp. Nó thường xuất hiên ở các khu vực thiếu i-ốt, kể cả vùng có đủ i-ốt tuy ít hơn. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và phụ nữ nhiều hơn nam. Phần lớn người bệnh có bướu nhỏ, không có triệu chứng, không cần điều trị. Tuy nhiên, vẫn gặp 1 tỷ lệ nhỏ có cường giáp kèm theo (bướu đa nhân độc) hoặc ung thư hóa.

Theo các bác sĩ, phẫu thuật cắt bỏ bán phần tuyến giáp được lựa chọn cho người bệnh có bướu lớn gây chèn ép. Việc điều trị nội khoa bằng i-ốt phóng xạ liều cao chỉ nên áp dụng khi người bệnh từ chối phẫu thuật. Còn dùng thuốc Thyroxine thì tác dụng giảm kích thước tuyến rất ít, không nên sử dụng.

Biện pháp chính với điều trị bướu đa nhân còn nhỏ dưới 1cm là nên theo dõi định kỳ hàng năm bằng siêu âm. Trường hợp nhân lớn hơn 1cm nên kết hợp chọc sinh thiết bằng kim nhỏ để chẩn đoán tế bào. Nếu lành tính tiếp tục theo dõi, nếu bất thường nên phẫu thuật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục