Áp xe vành sụn tai - hậu quả của việc bấm khuyên tai làm đẹp

Vũ Nhi, icon
11:22 ngày 01/03/2022

VTV.vn - Vì bấm khuyên tai ở nơi không đảm bảo mà bé gái 14 tuổi phải mang theo một khối áp xe lớn ở vành tai.

Bé gái có đi bấm khuyên tai và dần dần bị sưng tấy, rò mủ, đau nhức. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi N.T.Đ., (14 tuổi) nhập viện với khối áp xe vành tai lớn chiếm hết 1/2 vành tai, đang có biểu hiện hoại tử ăn sâu vào sụn vành tai. Các bác sĩ bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật xử trí nạo vét sụn vành tai cho bệnh nhi.

Theo BSCKII. Uông Hồng Hợp, Trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), đa số các trường hợp bị sẹo lồi ở vành tai là học sinh, sinh viên, do ham mê phong trào đeo khuyên tai nhưng lại thực hiện bấm khuyên tai bằng dụng cụ kém vệ sinh như các cửa hàng phụ kiện, bấm khuyên tai dạo… dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, viêm sụn vành tai, sẹo lồi…

Áp xe vành sụn tai - hậu quả của việc bấm khuyên tai làm đẹp - Ảnh 1.

Xử trí khối áp xe cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Cũng theo bác sĩ Hợp, khi bấm khuyên tai ở những nơi không đảm bảo, có thể mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường máu (HIV, viêm gan...), nhiễm trùng máu, uốn ván... vì các dụng cụ này thường không được tiệt trùng cẩn thận và tái sử dụng nhiều lần.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Các em học sinh, sinh viên sau khi bấm khuyên tai có biểu hiện sưng, nóng, đỏ đau nhiều, viêm sụn vành tai thì cần được khám và điều trị sớm. Bởi nếu đến mức viêm hoại tử sụn sẽ làm biến dạng vành tai, gây hậu quả đáng tiếc. Việc điều trị phục hồi khó khăn và rất khó lấy lại hình dáng vành tai như ban đầu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ cho người bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục