Bác sĩ đầu ngành chỉ ra những nhầm tưởng về sốt xuất huyết

Minh Đức, icon
06:00 ngày 21/08/2019

VTV.vn - Vì hiểu sai về bệnh sốt xuất huyết nên nhiều người lơ là việc phòng chống và chữa bệnh, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, dịch sốt xuất huyết đang trong những tháng cao điểm khi thời tiết mưa nắng đan xen, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển. Được biết, tính đến ngày 20/8, đã có 16 trường hợp tử vong do mắc sốt xuất huyết, số ca mắc bệnh cũng đã cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, có nhiều ca biến chứng nặng vì người bệnh đánh giá thấp và hiểu sai về bệnh: "Có hai yếu tố dẫn đến việc hiểu không đúng về dịch bệnh này, thứ nhất là có 4 tuýp virus sốt xuất huyết nên về lý thuyết một người có thể bị nhiễm bệnh đến 4 lần trong đời, trong đó có nhiều nhất 3 lần diễn biến nặng vì những lần mắc bệnh sau sẽ nặng hơn lần trước. Nhiều người hiện nay vẫn nghĩ bản thân có thể miễn dịch hoàn toàn với sốt xuất huyết sau khi đã mặc bệnh nên không phòng tránh.

Thứ hai là hiểu nhầm về diễn biến của bệnh, bệnh sốt xuất huyết có 3 giai đoạn, giai đoạn đầu là 3 ngày khởi phát với triệu chứng sốt cao giống sốt virus thông thường. Giai đoạn 2 diễn ra từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, có dấu hiệu hạ sốt, kèm với đó là hạ tiểu cầu nên xuất hiện những chấm li ti dưới da, dễ nhầm với sốt phát ban. Giai đoạn cuối từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10, cơ thể bắt đầu phục hồi. Ở giai đoạn thứ 2 là thời điểm rất dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm, rất nhiều người thấy lui sốt nên chủ quan, không theo dõi cẩn thận, hoặc nhầm với các bệnh khác nên sử dụng sai phương pháp điều trị".

Bác sĩ Trung Cấp cũng cho biết, do bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị nên bác sĩ thường chỉ định hạ sốt và bù nước cho những bệnh nhân thiếu nước. Thông thường, từ ngày thứ 4 trở đi sẽ chỉ có 1 số ít bệnh nhân có diễn biến nặng, còn lại chủ yếu là phục hồi. Trong giai đoạn này, cần theo dõi người bệnh để sớm phát hiện các dấu hiệu cảnh báo như nôn, buồn nôn, chảy máu bất thường... để đến bệnh viện can thiệp sớm, tránh các biến chứng như sốc do đông máu hoặc mất nhiều máu do hạ tiểu cầu.

"Hiện trên thị trường đang có 2 – 3 dòng thuốc hạ sốt, tuy nhiên tuyệt đối không được dùng thuốc aspirin hay ibuprofen vì có thể khiến tình trạng chảy máu nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, khi dùng thuốc hạ sốt cần dùng đúng và đủ liều lượng, không lạm dụng thuốc vì có thể gây tổn thương gan, tăng men gan..."- bác sĩ Cấp chia sẻ.

Về 4 chủng virus sốt xuất huyết, có chủng D2 được cho là sẽ gây nên triệu chứng nặng hơn các chủng khác. Nhưng thực tế chủng virus nào cũng có thể dẫn đến diễn biến nặng được nên người dân cần chủ động phòng tránh.

Trước thông tin sử dụng nhiều vitamin sẽ giúp chống bệnh sốt xuất huyết đang được lan truyền trên mạng xã hội, bác sĩ Cấp nhận định: "Các vitamin rất cần thiết với cơ thể con người, tuy không thể thiếu nhưng cũng không nên để thừa vitamin trong cơ thể. Nếu chúng ta uống quá nhiều sẽ khiến cơ thể không thể hấp thụ, buộc phải thải đi, thậm chí là gây nên chứng ngộ độc vitamin. Trong giai đoạn bệnh, có thể cân nhắc dùng vitamin theo chỉ định của bác sĩ nhưng không nên lạm dụng".

Bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên cho các thai phụ trong giai đoạn cao điểm dịch sốt xuất huyết: "Đối với phụ nữ mang thai, nếu có dấu hiệu mắc bệnh thì không nên quá lo lắng, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám kịp và có phương pháp điều trị phù hợp. Cần phải hiểu rằng, nếu tiểu cầu trong máu hạ quá thấp có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi như chảy máu trong bánh rau. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 trong giai đoạn bệnh nhất định phải theo dõi kỹ càng".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục