Bé 7 tuổi mắc u hiếm gặp: Trong 100.000 - 250.000 ca mới có 1 người mắc

P.V, icon
09:19 ngày 10/01/2023

VTV.vn - Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi bị u nang bạch huyết lớn choán gần hết ổ bụng, có chảy máu trong nang.

Khối u chiếm hầu hết ổ bụng gây đè đẩy các tạng xung quanh. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi T.Đ.B.P. (7 tuổi, Lê Lợi, An Dương, Hải Phòng) tiền sử không mắc bệnh lý mạn tính, thể trạng gầy. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ, bụng chướng nhanh, kèm nôn, không đại tiện 2 ngày.

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bụng bệnh nhi có khối to, mật độ mềm, ấn đau, choán chỗ gần hết ổ bụng gây hội chứng bán tắc ruột, tình trạng thiếu máu mức độ nhẹ.

Kết hợp với các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhi được chẩn đoán u nang lớn trong ổ bụng nghi u nang bạch huyết mạc treo ruột non có xuất huyết trong nang.

Sau khi hội chẩn, bệnh nhi được chỉ định mổ nội soi cắt bỏ khối u và đoạn ruột non, nối ruột non lập lại lưu thông ruột. Sau 2 tiếng, khối u đã được các bác sĩ bóc tách trọn vẹn ra khỏi ổ bụng bệnh nhi.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi tiến triển ổn định, ăn uống bình thường và đã được xuất viện sau 7 ngày điều trị.

Theo các bác sĩ, u nang bạch huyết mạc treo ruột là tổn thương hiếm gặp của mạc treo ruột với tần suất trên lâm sàng khoảng 1/100.000 - 1/250.000. U nang bạch huyết mạc treo ruột là một u lành tính, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ở cả nam và nữ.

Các triệu chứng lâm sàng của u nang bạch huyết mạc treo thường liên quan đến việc xuất hiện của khối u. Do u nang bạch huyết mạc treo thường không liên quan đến phần ống của đường tiêu hóa nên các triệu chứng tắc nghẽn (nếu có) thường ở giai đoạn muộn với các trường hợp u mạc treo có kích thước lớn.

Một số trường hợp, bệnh nhân có thể xuất hiện đau bụng do khối u lớn gây hiệu ứng khối trong khoang ổ bụng và chèn ép các tạng lân cận. Bệnh nhân thường có cảm giác đau sâu, ở giữa ổ bụng.

U nang bạch huyết mạc treo ruột có thể gây nhiều biến chứng như: chảy máu trong u; viêm hoại tử hoặc xoắn ruột.

Để điều trị u mạc treo ruột, phẫu thuật là phương pháp tốt nhất; phụ thuộc vào kích thước, tính chất, vị trí của khối u, có thể phẫu thuật cắt bỏ triệt để toàn bộ khối u hoặc kết hợp tiêm xơ phần u nang ở các vị trí không thể cắt bỏ.

Các bác sĩ khuyến cáo: Phụ huynh nên cho trẻ đi khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ; khám ngay khi có các triệu chứng như đau bụng, chướng bụng, tự sờ thấy khối bất thường vùng bụng… Không nên để muộn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc điều trị, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nguy hiểm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục