Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: Dấu hiệu và cách điều trị

Kim Xuân - Nguyệt Ánh, icon
07:00 ngày 24/01/2013

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 4 trên thế giới và dự đoán sẽ đứng hàng thứ 3 vào năm 2020. Mỗi năm, căn bệnh này đã cướp đi mạng sống của hơn 3 triệu người trên thế giới.

Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ (Ảnh:Sức khỏe)

Tại Việt Nam, đây là bệnh có tần suất ngày càng tăng, nguyên nhân do tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề và tỷ lệ người hút thuốc lá cao. Vậy dấu hiệu để nhận biết bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính như thế nào và cách phòng tránh ra sao?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có tên gọi quốc tế là CODP, bệnh gây tắc nghẽn đường thông khí hệ hô hấp, gây khó thở.

Ông Nguyễn Văn Tân, Sóc Sơn, Hà Nội đã bị ho cả tháng nay. Ông đến Bệnh viện Bạch Mai khám nhân dịp Bệnh viện tổ chức khám sàng lọc cho bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mãn tính. Kết quả của các bác sĩ cho biết ông đã mắc bệnh phổi tắc nghẽn ở dạng cấp.

Ông Tân cho biết: “Bệnh chủ yếu của tôi là bệnh bị ho nhiều và khó thở, đi khám ở viện phổi thì được kết luận là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính”.

Biểu hiện của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không rõ ràng, do đó bệnh nhân cần tìm đến bác sĩ khi có các biểu hiện: Ho, khạc đờm kéo dài và khó thở khi làm nặng. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ được đo chức năng hô hấp để xác định xem đã mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chưa để đưa ra phác đồ điều trị.

PGS. TS Ngô Quý Châu, GĐ Trung tâm Hô hấp, PGĐ bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Theo điều tra về mặt dịch tễ học ở cộng đồng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chiếm khoảng 4,2% dân số trong độ tuổi hơn 40. Tỷ lệ ở nam giới cao hơn, đặc biệt với những người hút thuốc lá hay hút thuốc lào.

Thời kỳ đầu người bệnh chưa thấy triệu chứng nhưng càng về sau bệnh càng tiến triển nặng hơn, ảnh hưởng tới các hoạt động thể lực. Từ việc đi đường dốc khó thở về sau đi đường bằng hay thậm chí làm những việc nhẹ như ăn uống, thay quần áo cũng khó thở. Thậm chí người bệnh trở thành tàn phế không hoạt động được về mặt thể lực cũng như về tâm lý, cuối cùng dẫn tới suy tim và tử vong”.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, nếu không có phác đồ điều trị hợp lý bệnh sẽ liên tục tiến triển nặng hơn. Do đó, bệnh nhân cần kiên trì dùng thuốc, tuân thủ đúng thời gian tái khám mà bác sĩ yêu cầu, đặc biệt là cần bỏ thuốc lá, thuốc lào và nên tránh nhiễm khói thuốc thụ động.

PGS. TS Ngô Quý Châu cho biết thêm: “Với những bệnh nhân có những dấu hiệu như ho, khạc đờm mãn tính nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám lâm sàng, xét nghiệm chức năng hô hấp.

Tiếp theo thăm khám bệnh, phải tuân thủ việc điều trị theo các loại thuốc mà thầy thuốc kê đơn và sử dụng cho thật đúng. Bệnh nhân nên dùng thuốc đúng liều, đúng cách và đúng thời gian. Thuốc có tốt đến đâu nhưng nếu dùng không đúng cách thì cũng không có tác dụng. Khi bệnh đã nặng, phải sử dụng thuốc liên tục và ngừng ngay tiếp xúc với khói bụi hay khói thuốc”.

Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần tuyệt đối kiên nhẫn dùng thuốc theo đơn. Đã có không ít bệnh nhân, khi thấy bớt ho, bớt khó thở là ngừng dùng thuốc hoặc dùng thuốc không đều đặn dẫn đến bệnh càng tăng nặng.

“Tâm lý của người bệnh là đến gặp bác sĩ và được kê cho đơn thuốc 1 tháng chẳng hạn thì nghĩ rằng hết đơn thuốc là khỏi bệnh. Nhưng đối với các bệnh mãn tính thì không phải như vậy.

Việc bỏ dở giữa chừng như vậy sẽ làm cho các triệu chứng ngày càng nặng thêm, ảnh hưởng đến phổi, toàn thân và suy tim. Thứ 2, bệnh nhân sẽ nhanh chóng bị các đợt cấp nặng”, PGS. TS Ngô Quý Châu lưu ý.

Tham gia khám sàng lọc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng là một lời khuyên mà các bác sĩ đưa ra. Bên cạnh đó, nên tập những bài tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ… Điều đó sẽ góp phần kiểm soát được căn bệnh mãn tính này.

Cùng chuyên mục