Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp

Mai Lê - Đình Thi, icon
09:31 ngày 27/10/2020

VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận và điều trị cho gần 300 bệnh nhi mắc bệnh.

Thăm khám cho một trường hợp trẻ mắc tay chân miệng.

Đưa con vào nhập viện và điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, anh L.C.C. (trú tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Cách đây 6 ngày, con tôi bỗng nhiên quấy khóc, sốt và nổi các nốt ở bàn tay. Tôi đưa con đi khám tại bác sĩ tư nhân thì được chẩn đoán cháu mắc tay chân miệng, bác sĩ kê thuốc cho về bôi và uống. Điều trị tại nhà được khoảng 3 ngày gia đình phát hiện cháu ngủ hay giật mình, li bì nên lập tức đưa cháu nhập viện. Tại đây, cháu được chẩn đoán bị tay chân miệng độ 2A và chân bị bội nhiễm".

Cũng có con trai 12 tháng tuổi điều trị tay chân miệng tại bệnh viện, chị H.T.D. (trú tại Ea H'leo, Đắk Lắk) chia sẻ: "Gần nhà tôi có 2 gia đình có con bị tay chân miệng nhưng điều trị tại nhà. Mặc dù đã rất cẩn thận nhưng cuối cùng con tôi vẫn bị lây bệnh. Ban đầu bé quấy khóc, bỏ bú, sốt cao rồi nổi các nốt ở tay. Quá lo lắng, gia đình liền đưa bé nhập viện. Các bác sĩ thông báo con tôi bị tay chân miệng độ 2A, cho thuốc bôi và uống".

ThS.BS Mai Ngọc Vũ, Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cho biết: Tại bệnh viện, thời điểm tháng 9, tháng 10 dịch tay chân miệng bùng phát với số lượng nhiều hơn so với các năm trước. Mặc dù năm nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc tay chân miệng nặng ở độ 3, 4 ít hơn các năm trước, nhưng số lượng bệnh nhân mắc bệnh lại tăng lên, gây ra tình trạng quá tải trong bệnh viện.

Theo ThS.BS Mai Ngọc Vũ, khác với mọi năm, năm nay, tại khoa ghi nhận khá nhiều trường hợp trẻ bị tay chân miệng toàn thân, không chỉ nổi ở tay, chân, miệng, mông, đầu gối và có trẻ còn nổi cả ở bụng. Do đó, nhiều phụ huynh rất dễ nhầm tay chân miệng với thủy đậu.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vaccine dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn vật dụng, đồ chơi của trẻ. Đối với trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như trẻ sốt cao liên tục, li bì, giật mình khi ngủ, ngồi không vững, run tay chân, trẻ quấy khóc vô cớ, khóc liên tục thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trong những ngày đầu tiên khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần theo dõi sát vì trẻ dễ có xu hướng trở nặng trong những ngày này. Với những trẻ bị nhẹ, được chăm sóc tại nhà thì người nhà cần chú ý nếu bé sốt thì nên cho bé uống hạ sốt theo đúng liều lượng và chỉ dẫn của bác sĩ, bổ sung thêm các loại nước để bù lại lượng nước trẻ đã mất do sốt. Khi mắc tay chân miệng, trẻ ăn uống sẽ rất khó khăn vì lở miệng, loét họng, do đó, cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, nguội. Trong quá trình chăm sóc, nếu bé sốt cao liên tục không hạ, quấy khóc… nên cho trẻ tới cơ sở y tế kịp thời.

Thời điểm hiện nay, bệnh đang diễn biến phức tạp, điều cần thiết nhất để hạn chế trẻ nhiễm bệnh là phụ huynh cần giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt của trẻ. Đặc biệt quan tâm giữ sạch những vật dụng mà trẻ tiếp xúc qua cầm tay hoặc cho vào miệng.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục