Biến đổi gene ở lợn để tạo nguồn ghép tạng cho người

Nhật Anh, icon
11:04 ngày 27/09/2020

VTV.vn - Một nhóm các nhà khoa học của Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra loài lợn biến đổi gene, có tế bào tương thích hơn với hệ miễn dịch của người để có thể ghép tạng.

Hình: The Guardian

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho hay: Nhóm các nhà khoa học thuộc công ty công nghệ sinh học Qihan Bio (Trung Quốc) đã tạo ra loại lợn biến đổi gen cho phép các tế bào của lợn tương thích hơn với hệ miễn dịch của con người, mở đường cho việc cấy ghép nội tạng từ động vật sang người an toàn và hiệu quả.

Cụ thể, các nhà khoa học cho biết họ đã sử dụng công nghệ CRISPR-Cas9 và kết hợp các công nghệ di truyền khác để vô hiệu hóa retrovirus nội sinh ở lợn (PERVs) - một nhóm virus có thể nguy hiểm cho con người, đồng thời tăng cường khả năng tương thích về miễn dịch và đông máu của lợn với người, từ đó có thể làm giảm nguy cơ đào thải ở người nhận nội tạng. Tuy nhiên, trước đây, do chưa có kỹ thuật biến đổi gien, khi cấy ghép nội tạng lợn sang người thường xảy ra hiện tượng đào thải do sự không tương thích sinh học và nhiễm virus PERV từ lợn sang người.

Nghiên cứu mới nhất của nhóm khoa học Trung Quốc kết hợp hai tiến bộ trước đó, bao gồm công nghệ chỉnh sửa gen để vô hiệu hóa virus PERVs ở lợn và kỹ thuật tương tự để làm nội tạng lợn tương thích hơn về mặt miễn dịch với người. Kết quả thử nghiệm đối với loại lợn biến đổi gen cho thấy chúng có khả năng chống lại các biến chứng bao gồm sự đào thải nội tạng của loài khác ra khỏi cơ thể người và gặp tổn thương qua tế bào trung gian.

Ông George Church, nhà sáng lập ra Qihan Bio, cho biết: Nếu công nghệ biến đổi gen có thể chứng minh tính hiệu quả lâu dài trong trong nghiên cứu tương lai, đột phá này có thể giảm bớt tình trạng thiếu hụt nội tạng người trên toàn thế giới. Nhóm nghiên cứu cũng đang thử nghiệm tính an toàn và mức độ hiệu quả của việc cấy ghép nội tạng từ lợn chỉnh sửa gen sang động vật linh trưởng.

Từ lâu, lợn được hy vọng sẽ là nguồn tạng cấy ghép chủ yếu cho người, vì nhiều bộ phận cơ thể của chúng có kích thước, cấu trúc và chức năng rất giống con người trong đó có tim, thận, gan và phổi.

Năm 2018, các nhà khoa học ở Munich từng đạt được một bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực này khi họ cấy ghép tim lợn biến đổi gen vào 14 con khỉ đầu chó và hai trong số khỉ nhận tim sống tiếp hơn 6 tháng - một khoảng thời gian kỷ lục từ trước đến nay đối với động vật nhận nội tạng từ loài khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục