Bộ Y tế phối hợp với Đồng Nai chuẩn bị kịch bản ứng phó với diễn biến dịch xấu hơn

P.V, icon
06:00 ngày 20/07/2021

VTV.vn - Tính đến ngày 19/7, trong đợt dịch lần thứ 4 , tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 1.190 ca mắc COVID-19, tình hình diễn biến dịch còn rất phức tạp và khó lường.

Tổ công tác của Bộ Y tế kiểm tra điểm phong tỏa tại TP Biên Hòa. Ảnh: Bộ Y tế

TS.BS Nguyễn Đức Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai cho biết: Tỉnh Đồng Nai đã thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7. Trong khoảng thời gian này, người dân Đồng Nai phải cùng đồng lòng với chính quyền hạn chế ra đường, thực hiện tuân thủ 5K của Bộ Y tế. Đồng Nai có số lượng Khu công nghiệp và công nhân rất lớn, khoảng 1,2 triệu người lao động. Do đó, chống dịch tại Đồng Nai có những nét đặc thù riêng.

Nhận xét của Tổ công tác cho thấy, các ca mắc COVID-19 của tỉnh này hiện đang tập trung chủ yếu tại các khu phong tỏa, khu cách ly và ổ dịch tại Công ty Changsin.

Tuy nhiên, vẫn phát hiện những ca mới liên quan đến các khu vực chợ và các ổ dịch đã phát hiện đã phát hiện trước đó. Chúng tôi nhận định các khu vực này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm lan rộng.

Ghi nhận trong ngày 18/7, xuất hiện một số ca mắc mới trong doanh nghiệp qua xét nghiệm sàng lọc chứng tỏ vẫn có khả năng có nhiều F0 đang tồn tại trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, có nguy cơ lây nhiễm cao trong những khu vực này và cộng đồng.

Số F1 được cách ly trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là 3.016 trường hợp, trong thời gian tới số lượng này sẽ tăng. Tổ công tác đã đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh tiếp tục triển khai các khu cách ly mới, đảm bảo các khu cách ly y tế tập trung trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có sức chứa từ 5.000 đến 10.000 người.

Theo TS.BS Nguyễn Đức Sơn, thành viên của Tổ công tác Bộ Y tế đã liên tục có những chuyến đi kiểm tra duy trì vừa sản xuất, vừa chống dịch. Có những doanh nghiệp làm rất tốt như Công ty Thủy điện Trị An đã bố trí công nhân ở tập trung trong khu vận hành, lực lượng vận hành ở tập trung tại nhà máy để đảm bảo các biện pháp cách ly phòng dịch… Nơi ở của công nhân thoáng đãng, đủ điều kiện vệ sinh cá nhân…

"Qua kiểm tra chúng tôi thấy Công ty TNHH Samtec, khu công nghiệp Long Thành, đang bố trí 570 người lao động ở lại. Chúng tôi đã khuyến cáo công ty giảm mật độ lều ở của công nhân để tránh lây nhiễm chéo, tại khu vực nhà ăn bàn ăn đã được lắp vách ngăn, tuy nhiên khoảng cách bàn vẫn khá sát, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1m giữa những người ngồi ăn… Những tồn tại này đã được đưa ra cảnh báo và đề nghị khắc phục sớm" - TS.BS Nguyễn Đức Sơn cho hay.

TS.BS Nguyễn Đức Sơn cho biết thêm: Cần khẩn trương bố trí lại khu vực cách ly tạm thời của khu ký túc xá và bố trí khu vực cách ly tạm thời trong công ty. Đánh giá tổng thể, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp của Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực vừa đảm bảo sản xuất, vừa an toàn. Nhưng chúng tôi luôn cảnh báo đến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh không được chủ quan và phải liên tục giám sát hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất nhưng phải an toàn.

Tổ công tác kiến nghị Ban Quản lý khu công nghiệp Đồng Nai cần có văn bản chỉ đạo về việc đánh giá hiệu quả hoạt động của 121 đoàn kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu các đoàn phải thực hiện đánh giá nguy cơ phòng, chống dịch và kiểm tra, giám sát hoạt động này tại cơ sở sản xuất, kinh doanh do các tổ phụ trách hàng ngày.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Đức Sơn, hiện tại, các bệnh viện của Đồng Nai đang điều trị 871 ca mắc COVID-19. Số bệnh nhân nặng được điều trị tại Trung tâm ICU của Bệnh viện Thống Nhất tính đến tối ngày 17/7 là 22 trường hợp, một số bệnh nhân này đang phải thở máy. Nhận định đánh giá của bộ phận điều trị trong những ngày tới số lượng bệnh nhân nhập viện tại các trung tâm ICU sẽ tăng lên. Đồng Nai cần cấp bách chuẩn bị nhân lực, vật lực cho các tình huống xấu có thể xảy ra.

15 thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai tăng cường vừa trực tiếp tham gia điều trị, vừa đào tạo cho cán bộ y tế ở các bệnh viện dã chiến để cố gắng tầm soát thật tốt ở tuyến dưới, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng.

Bên cạnh đó, qua giám sát các phòng xét nghiệm trên địa bàn Đồng Nai hiện nay cho thấy năng lực xét nghiệm RT-PCR của cả tỉnh hiện chỉ đạt 3.000 - 5.000 mẫu đơn/ngày, trong khi đó, lượng mẫu cần xét nghiệm khẳng định đang ngày rất nhiều. Tổ công tác đã đề nghị cần phải gấp rút bổ sung thêm các 3 hệ thống máy RT-PCR, đồng thời tiếp tục đào tạo nhân lực để đáp ứng công tác xét nghiệm nhanh và kịp thời.

TS.BS Nguyễn Đức Sơn cho hay: Những ngày gần đây, thông qua test nhanh đã phát hiện nhiều ca dương tính mới rải rác trong cộng đồng ở nhiều địa bàn trong tỉnh. Nguồn lây nhiễm trong cộng đồng đã khá phức tạp, dịch sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng lan rộng, nếu không quyết liệt. Số ca bệnh diễn biến nặng tăng, nguy cơ số tử vong tăng, gây áp lực cho các khu điều trị và khu cách ly.

Các lực lượng chức năng của tỉnh phải tiếp tục tập trung truy vết nhanh ở các địa phương liên quan đến ổ dịch tại Công ty Changshin và các ổ dịch khác; tăng cường tầm soát bằng test nhanh trong các doanh nghiệp, khu nhà trọ, chợ.

Bên cạnh đó, xem xét triển khai các bệnh viện quy mô giường bệnh lớn nhằm tập trung nhân lực và trang thiết bị trong điều kiện nhân lực ngành y tế đang bị dàn mỏng. Triển khai việc cách ly F1 tại nhà vì số lượng F1 ngày càng đông trong khi các khu cách ly tập trung còn hạn chế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục